Bộ Tài chính nói về nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

17/02/2022, 20:55

TCDN - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tổng thể gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ đến từ nguồn tăng bội chi NSNN và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của NSTW năm 2021, còn nguồn thứ 3 thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa.

Chia sẻ về Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho hay Chương trình này đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian để thực hiện. Giá trị của các gói chính sách tài khóa khoảng 291 nghìn tỷ đồng, bao gồm: thứ nhất là 240 nghìn tỷ đồng là chi trực tiếp từ ngân sách, bao gồm 64 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế và khoảng 176 nghìn tỷ đồng là đầu tư công.

Thứ hai là bố trí khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi NSTW năm 2021 để hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở.

nguon-luc

Thứ ba là tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế để ưu đãi cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong năm 2022. Với việc hỗ trợ giãn, hoãn khoảng 135 nghìn tỷ đồng sẽ tương đương mức hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Thứ tư là tăng bảo lãnh trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách khoảng 38,4 nghìn tỷ đồng.

“Chúng ta hình dung tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi NSNN và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của NSTW năm 2021, còn nguồn thứ 3 thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội và NSNN sẽ cấp bù lãi suất cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện”, ông Tân chia sẻ.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình xây dựng chính sách cũng như trình Quốc hội ban hành nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, cùng các bộ ngành chức năng để xây dựng, hoàn thiện nội dung chương trình, cũng như nội dung Nghị quyết của Quốc hội.

Ông Tân cho hay, có đến 18 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính chủ trì và 13 nhiệm vụ Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan khác, trong đó có những nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong quý 1/2022 và có nhiệm vụ kéo dài suốt trong quá trình thực hiện chương trình.

Ngay trong tháng 1, Bộ Tài chính đã hướng dẫn chính sách miễn giảm thuế; hướng dẫn gia hạn thời gian miễn thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế; hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên để mua máy tính; hướng dẫn vấn đề cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp với ngân hàng nhà nước để ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.

Tính đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép doanh nghiệp trích trừ vào chi phí chịu thuế thu nhập đối với khoản đóng góp tài trợ cho phòng, chống covid-19. Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để thực hiện hướng dẫn vấn đề thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến; hay như vấn đề cấp bù lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội.

Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc tăng bảo lãnh chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách…

Bên cạnh đó là tiếp tục tận dụng dư địa trong tăng thu, như đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu ở lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để phấn đấu tăng thu; tích cực tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là khoản chi mà có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm khoản chi không thực sự cần thiết. Trên cơ sở đó sử dụng nguồn lực cho Chương trình này.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, các giải pháp chính sách tài khóa trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính nói về nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Chính phủ đã trình Quốc hội Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các chính sách tài khóa, tiền tệ cụ thể để tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Phó thủ tướng: Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và công khai
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tinh thần là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.