Bộ Tài chính sẽ đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý hằng năm
TCDN - Từ năm 2023 đến năm 2030, hàng năm, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật; tăng cường khảo sát, kịp thời đối thoại với doanh nghiệp nhằm xác định các khó khăn, vướng mắc pháp lý để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan.
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1949/QĐ-BTC về Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2023 - 2030” thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm cung cấp quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ; tăng cường phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp.
Đồng thời, vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; bảo đảm 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đầy đủ nội dung cơ bản của các quy định pháp luật hiện hành và áp dụng các văn bản pháp luật trong sản xuất kinh doanh; tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật; hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo tính thống nhất, chủ động trong chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đối với nhóm nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách, pháp luật, hàng năm, từ năm 2023 đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật; tăng cường khảo sát, kịp thời đối thoại với doanh nghiệp nhằm xác định các khó khăn, vướng mắc pháp lý để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan.
Với nhiệm vụ này, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Vụ Chính sách thuế và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.
Với hoạt động nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam, Bộ Tài chính giao Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm, đề xuất hoạt động phù hợp thực tiễn. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.
Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật, hằng năm, Bộ Tài chính tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các tổ chức liên quan; tăng cường truyền thông, quảng bá với các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899