Ngân hàng Nhà nước đã trình chủ trương tái cơ cấu SCB
TCDN - Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ cho biết đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB - ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Ngân hàng Nhà nước đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.
Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB. Như vậy, sau gần một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý "chốt", trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trước đó gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Các bên liên quan đang thực hiện tiếp các nội dung tiếp theo sau khi chủ trương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại số nhà băng này.
Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.
Chính phủ cho biết các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém cũng đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại.
Thẩm tra nội dung này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhìn nhận việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các nhà băng.
Mặt khác, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông chiến lược, nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc. Cơ chế, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém cũng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Về xử lý nợ xấu, cơ quan thẩm tra đánh giá quá trình này vừa qua tích cực. Các tổ chức tín dụng đã cố gắng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro.
Đến cuối tháng 5, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý hơn 1,64 triệu tỷ đồng nợ xấu, trong đó 74,5% là do các tổ chức tín dụng tự xử lý; còn nợ bán cho VAMC và các tổ chức khác khoảng 25,5%.
Xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng tích cực, khi gần 420.000 tỷ đồng được giải quyết tính đến hết tháng 5.
Chính phủ cho biết đến nay Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongABank).
Trước đó, vào năm 2015, trong quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng, 3 ngân hàng (CBBank, OceanBank, GP Bank) bị mua lại với giá 0 đồng. Cùng năm này, DongABank bị kiểm soát đặc biệt.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899