Bộ Tài nguyên: Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải

16/03/2022, 08:58

TCDN - Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều cơ chế chính sách mới trong đó trọng tâm là sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Theo Bộ TN&MT, hiện nay môi trường nước ta vẫn đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Cả nước hiện có 291 KCN, 730 CCN đang hoạt động ; 869 đô thị ; 4.575 làng nghề, 13.752 trang trại chăn nuôi ; hơn 4.1 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; 13.674 cơ sở y tế; gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 30 nhà máy nhiệt điện than; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thì các áp lực đến môi trường sẽ ngày càng lớn.

Formosa Hà Tĩnh đã từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vùng biển miền Trung.

Formosa Hà Tĩnh đã từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vùng biển miền Trung.

Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều cơ chế chính sách mới trong đó trọng tâm là sàng lọc, kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy, khuyến khích các dự án, cơ sở đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngang bằng với nhóm các nước công nghiệp phát triển.

Nhiều dự án lớn như Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS), Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng đất nước.

Mặc dù hoạt động kiểm soát nguồn thải đã được thực hiện chặt chẽ, sự gia tăng ô nhiễm môi trường bước đầu được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn những  tồn tại, thách thức cần tập trung giải quyết như: Dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; Ý thức của một số doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn chưa cao, sẵn sàng hy sinh môi trường để đánh đổi các lợi ích kinh tế trước mắt...

Giải pháp khắc phục trong thời gian tới của Bộ là đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra không báo trước theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020 để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả trộm, lén lút xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra ngoài môi trường (Luật bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung một số quy định đặc thù của hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, trong đó có cơ chế thanh tra, kiểm tra không báo trước).

Kiện toàn hệ thống đường dây nóng về môi trường, kết nối đồng bộ từ trung ương đến địa phương để tiếp nhận, xử lý các thông tin tố giác, hành vi xả thải trái pháp luật từ cộng đồng và người dân, qua đó nâng cao hiệu quả giám sát của cộng đồng và người dân đối với các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo kiện toàn cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương, đảm bảo đủ mạnh, đủ tầm để đảm bảo triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường trong  giai đoạn hiện nay.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài nguyên: Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên đánh giá mức độ khung thuế bảo vệ môi trường với nhiều hàng hoá
Trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá mức độ phù hợp của Khung và mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đến mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa đang thuộc đối tượng chịu thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.