Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh phải minh bạch
TCDN - Trong 7.000 hồ sơ tồn động sau chiến tranh, có khoảng 2.700 trường hợp được công nhận là liệt sĩ, hơn 2.000 trường hợp là thương binh, còn lại kết luận không đủ điều kiện. Tuy nhiên, không có trường hợp đơn thư khiếu nại, điều này cho thấy công tác này phải minh bạch.
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV tại thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương (Thanh Hoá).
Tại hội nghị, bà Cầm Thị Mẫn, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo với cử tri thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn kiến nghị, với pháp lệnh ưu đãi người có công về công nhận liệt sĩ, không có biên bản kiểm thảo tử vong tại bệnh viện, đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu điều chỉnh.
Cử tri Hoàng Bá Viết ở phường Trúc Lâm đề xuất, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần xem xét đối với trường hợp ông Lê Bá Hoành ở phường Hải Châu để công nhận liệt sĩ, đây là trường hợp xứng đáng. Ngày 20/5/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo số 74/TB-TB-SLĐTBXH sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại của ông Lê Bá Hoài, Sở nhận thấy đơn khiếu nại của ông có đủ điều kiện thụ lý. Vì vậy, Bộ cần xem xét có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp phụ nữ cô đơn không chồng con; các trường hợp đi bộ đội về mất hết giấy tờ.
Theo cử tri Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, việc giải mã phiên hiệu để bổ sung chứng cứ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gặp khó khăn do giấy tờ thất lạc, yêu cầu phải đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Trong khi đó đa số tuổi cao, sức yếu đi lại khó khăn nên nhiều người thật, việc thật đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ. Việc hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ đối với người được ủy quyền thì không được hỗ trợ kinh phí, do đó đề nghị Bộ xem xét trình Chính phủ có thêm chính sách ưu đãi với người có công và thân nhân. Bên cạnh đó, việc xác định mức độ tàn tật cho các đối tượng bảo trợ tuyến cơ sở khó khăn, do đó Bộ cần xem xét, trình Chính phủ và các bộ nghành liên quan có quy định danh sách các bệnh cụ thể để địa phương làm cơ sở trong việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật cho các đối tượng.
Tiếp thu kiến nghị của các cử tri, ông Lê Đức Giang và Đầu Thanh Tùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với tất cả các kiến nghị được cử tri quan tâm, tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp vượt quá thẩm quyền, tỉnh Thanh Hóa sẽ có kiến nghị để sớm giải quyết cho người dân.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri cũng như giải trình của đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, giải trình thêm những nội dung ý kiến của cử tri quan tâm. Cụ thể, về một số ý kiến đối với việc công nhận, giải quyết các hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh. Theo Bộ trưởng đây là một câu chuyện rất khó khăn. “7 năm qua, chúng tôi kiên trì, bản thân Bộ trưởng 3 lần xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến 3 phiên họp Chính phủ cho phép Bộ trưởng ban hành một quyết định cá biệt để giải quyết hồ sơ tồn đọng. Qua sàng lọc ra còn 7.000 hồ sơ, trong 7.000 hồ sơ đó có khoảng 2.700 trường hợp được công nhận là liệt sĩ, hơn 2.000 trường hợp là thương binh, còn lại kết luận không đủ điều kiện. Trong 7.000 hồ sơ nêu trên, không có đơn thư khiếu nại, chúng ta phải minh bạch.” - Bộ trưởng cho biết.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng 100 suất quà cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899