Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Doanh nghiệp mạnh lên sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước"

11/02/2021, 07:05

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, khi sản xuất - kinh doanh phát triển, doanh nghiệp mạnh lên thì sự gia tăng về quy mô nền kinh tế sẽ làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước nhiều lên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ về định hướng ngành trong năm 2021.

Gần 112 nghìn tỷ đồng gia hạn, miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp

Một trong những điểm nhấn của ngành Tài chính năm 2020 là thực hiện chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế khi dịch Covid-19 bùng phát. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện chính sách trên?

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế như: Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Cùng với đó, Bộ Tài chính Đã chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát, nghiên cứu thực hiện miễn, giảm nhiều khoản phí và lệ phí, theo đó đã trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định (về lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ) và ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí, cụ thể như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán... 

Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến hết tháng 11 năm 2020 đạt khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt gần 112 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và  tiền thuê đất được gia hạn khoảng 84,4 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 27,3 nghìn tỷ đồng).

Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

Ngành Tài chính đã thực hiện miễn, giảm mức thu nhiều loại phí, lệ phí.

Ngành Tài chính đã thực hiện miễn, giảm mức thu nhiều loại phí, lệ phí.

5 nhiệm vụ của ngành Tài chính

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế năm 2021? Điều đó có ảnh hưởng tới quá trình thu ngân sách nhà nước không?

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín (WB, IMF...), sang năm 2021 kinh tế thế giới sẽ bước vào quá trình phục hồi, sau khi đã bị suy giảm sâu trong năm 2020 do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên quá trình này giữa các quốc gia là rất khác nhau, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, cũng như khả năng phổ cập vắc xin phòng dịch. Một số quốc gia nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh mà hoạt động kinh tế đã cơ bản trở lại bình thường; trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ và một số quốc gia Châu Âu, ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi và niềm tin của dân chúng.

Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu gia tăng... ảnh hưởng trực tiếp đến các động lực tăng trưởng. Do đó, nhiều quốc gia tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ và kích thích tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội với giá trị rất lớn, nhằm bảo vệ việc làm và bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động.

Đối với nước ta, những thành quả đạt được trong năm 2020 về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) là hết sức tích cực và đáng tự hào, đóng góp vào thành công chung của cả nhiệm kỳ 2016-2020, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế và khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vẫn còn đó những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm; sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, một số ngành nghề vẫn còn rất khó khăn như du lịch, hàng không, khách sạn...; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; tiềm lực tài chính của cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đều đã giảm đáng kể; những rủi ro và bất định của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài, ngăn cản hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường thời tiết... tiềm ẩn nguy cơ tác động không thuận đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN .

Bộ trưởng nhấn mạnh: Doanh nghiệp mạnh lên sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Doanh nghiệp mạnh lên sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Xin Bộ trưởng cho biết, ngành Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp nào để vừa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo mục tiêu thu ngân NSNN năm 2021?

Trong bối cảnh khó khăn như tôi đã phân tích trên, để tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 đã được Quốc hội quyết định; trên cơ sở bám sát chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển” và những trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu sau: 

Một là, điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng với các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất những giải pháp chính sách để tiếp tục hỗ trợ, duy trì quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021, trong đó giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Với quan điểm lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, chúng tôi cho rằng các giải pháp về thuế, phí và lệ phí như nêu trên có thể sẽ làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn. Nhưng khi sản xuất - kinh doanh phát triển, doanh nghiệp mạnh lên thì sự gia tăng về quy mô nền kinh tế sẽ làm cho nguồn thu NSNN nhiều lên, không chỉ bù đắp số giảm thu do thay đổi chính sách, mà còn tăng thu NSNN so với dự toán được giao.

Cho đến nay, việc đề xuất các giải pháp chính sách nêu trên đang được các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện để trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian gần nhất.

Hai là, ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, cấp uỷ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5%GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Ba là, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hoàn thành dự toán thu về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2021.

Năm là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; quản lý giá, thị trường chặt chẽ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Huyền Châu (thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Doanh nghiệp mạnh lên sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước" tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thách thức trong thu ngân sách nhà nước năm 2021 chờ ngành Thuế
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2020 ngành thuế đã thu ngân sách nhà nước vượt dự báo. Năm 2021, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong bối cảnh khó khăn, Tổng cục Thuế đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách.