Thách thức trong thu ngân sách nhà nước năm 2021 chờ ngành Thuế
TCDN - Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng năm 2020 ngành thuế đã thu ngân sách nhà nước vượt dự báo. Năm 2021, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong bối cảnh khó khăn, Tổng cục Thuế đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách.
55 địa phương đạt và vượt dự toán
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2020 vào 31/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tính đến hết ngày 30/12/2020, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý đạt 1.261.662 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán.
Trong đó, thu nội địa đạt 1.227.245 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán. Số thu nội địa từ thuế, phí đạt 929.591 tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán. Ước tổng thu ngân sách đến hết ngày 31/12 đạt 101%. Toàn ngành có 55/63 địa phương đạt và vượt dự toán với tổng số vượt khoảng gần 70 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, diễn biến tình hình thu ngân sách giảm dần qua các quý từ đầu năm, tuy nhiên đã có sự hồi phục từ quý III, cụ thể: Quý I, GDP tăng 3,82%, thu NSNN quý I tăng 15,1% so với cùng kỳ chủ yếu do tăng thu đối với một số khoản thu từ đất đai, cổ tức, lợi nhuận còn lại phát sinh của năm 2019 chuyển sang. Trong quý II, do dịch bệnh bùng phát cùng với thực hiện giãn cách xã hội nên GDP chỉ tăng 0,36%, cùng với việc thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất nên thu ngân sách chỉ bằng 76,4% so với cùng kỳ.
Sang quý III, kinh tế bắt đầu có sự hồi phục, GDP quý III tăng 2,62%, nhờ đó thu ngân sách đã dần hồi phục, bằng 90,2% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố gia hạn, miễn giảm thì bằng 91,3% cùng kỳ). Quý IV, GDP tăng 4,48% nên thu ngân sách tăng 9,8% so với cùng kỳ. Như vậy, số thu năm 2020 chủ yếu tập trung trong quý IV, đạt khoảng 417 ngàn tỷ đồng (quý IV/2019 chỉ đạt 381 nghìn tỷ đồng), trong đó, riêng tháng 12 đạt khoảng 170 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được kết quả trên, theo ông Cao Anh Tuấn, ngành thuế kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân phát huy tác dụng nên kinh tế trong nước từ quý III đã dần phục hồi, tạo thuận lợi cho thu NSNN trong những tháng cuối năm.
Cơ quan thuế các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp để khẩn trương đưa chính sách miễn, giảm, gia hạn vào cuộc sống. Năm 2020 đã thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho 184.900 người nộp thuế (NNT) với số tiền là 87.300 tỷ đồng (gia hạn theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP là 67.234,6 tỷ đồng, gia hạn thuế TTĐB theo Nghị định 109/2020/NĐ - CP là 20.012 tỷ đồng. Miễn giảm cho trên 6 triệu NNT với tổng số thuế miễn giảm khoảng 30.200 tỷ đồng (trong đó số giảm thu năm 2020 khoảng 18.000 tỷ đồng, số giảm thu năm 2021 khoảng 12.200 tỷ đồng).
Năm 2020, cơ quan thuế các cấp đã tập trung triển khai công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng, trong đó: đối với công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã đổi mới phương thức thanh, kiểm tra, từ thanh tra kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp sang tăng cường kiểm tra tại bàn, chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra tại những doanh nghiệp có rủi ro cao, gian lận thuế.
Qua đó đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra khoảng 69.000 tỷ đồng, (trong đó, tăng thu vào ngân sách 19.100 ngàn tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 47.800 tỷ đồng). Đối với công tác xử lý thu hồi nợ đọng, trong năm 2020 đã thu hồi được khoảng 28.500 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2019 chuyển sang, theo đó, tổng số nợ đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến hết ngày 30/12/2020, số chi hoàn thuế GTGT qua Kho bạc Nhà nước là 133,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số hoàn thuế GTGT năm 2020 ước đạt khoảng 137,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là các địa phương đã đẩy mạnh đấu giá đất, cấp quyền sử dụng đất đã góp phần tăng thu từ đất đai trong đó thu tiền sử dụng đất ước đạt khoảng 166,5 nghìn tỷ đồng, vượt 70,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán; thu tiền thuê đất đạt khoảng 37,3 nghìn tỷ đồng, vượt 11,8 nghìn tỷ đồng...
Năm 2021 giảm tỷ lệ nợ đọng dưới 5%
Theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343.330 tỷ đồng, trong đó dự toán thu ngân sách giao cho ngành thuế là 1.116.700 tỷ đồng (thu dầu thô là 23.200 tỷ đồng, thu nội địa là 1.093.500 tỷ đồng).
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, năm 2021, ngành Tài chính sẽ khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Đồng thời, người đứng đầu ngành Tài chính cũng đề nghị các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao…
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, đây là thách thức lớn đối với ngành thuế trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra, Tổng cục Thuế đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2021 là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng và giao dự toán năm cho từng cục thuế đi đôi với theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng để có giải pháp quản lý hiệu quả; tập trung chống gian lận thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới mức 5% tổng thu ngân sách.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN; đẩy mạnh thanh kiểm tra thuế những loại hình, lĩnh vực nhiều rủi ro như thương mại điện tử, hoàn thuế GTGT, chuyển lợi nhuận. Cùng với đó, Tổng cục Thuế tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như triển khai hiệu quả các chính sách đã được ban hành.
Theo ông Cao Anh Tuấn, xác định công nghệ thông tin trong quản lý thuế là chìa khoá để nâng cao hiệu quả quản lý, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường triển khai các phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, tăng số lượng thủ tục tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục thuế điện tử, đặc biệt là hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; thực hiện có hiệu quả ngay từ năm đầu tiên của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2020, cơ quan thuế đã rà soát, nâng cấp, chuẩn hóa dữ liệu để nâng tổng số thủ tục thuế điện tử tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia lên con số 150, vượt 61% kế hoạch được giao năm 2020. Mới đây, Tổng cục Thuế đã thành lập và triển khai hệ thống 479 kênh hỗ trợ thủ tục thuế điện tử trong cả nước, tương ứng với 3 cấp quản lý từ trung ương đến 63 cục thuế tỉnh/TP và 415 chi cục thuế khu vực, cấp quận, huyện.
Tại Báo cáo môi trường kinh doanh-Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá. Thứ hạng này đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là tăng 7 - 10 bậc về chỉ số nộp thuế, tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30 - 40 bậc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899