Ngành Thuế: Thu ngân sách năm 2020 vượt dự toán
TCDN - Tính đến hết ngày 30/12, tổng số thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1,261 triệu tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán.
Thu nội địa đạt 100,7%
Phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật các cơ quan thông tấn báo chí sáng 31/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, với việc quản lý thu ngân sách công với những nỗ lực vượt bậc của ngành Thuế, tính đến hết ngày 30/12, tổng số thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1,261 triệu tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1,227 triệu tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán. Số thu nội địa từ thuế, phí đạt 929.591 tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán. Ước thu ngân sách đến hết ngày 31/12 ngành Thuế sẽ hoàn thành 101% dự toán.
Toàn ngành có 56/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán với số vượt của các địa phương khoảng gần 70.000 tỷ đồng.
Lý giải các yếu tố tác động đến số thu của ngành Thuế đạt dự toán, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, quán tính từ năm 2019 nên số thu quý 1/2020 đạt cao, quý 2,3 giảm là do giãn cách xã hội, quý 4 sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu phục hồi nên thu ngân sách đạt kết quả khả quan.
Trong cơ cấu thu ngân sách của ngành Thuế có sự đóng góp lớn của khu vực DNNN, các khoản thu về đất tại các địa phương tương đối lớn. Cùng với đó, khu vực FDI tại một số địa bàn trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang có số thu ngân sách đạt khá.
Ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế triển khai dự toán thu ngân sách năm 2020, đồng thời phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN; giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhiệm vụ quản lý thu nợ thuế năm 2020 cho Cục Thuế tỉnh, thành phố.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, tập trung rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để đưa vào quản lý thuế, kiểm tra toàn bộ số người nộp thuế báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế GTGT đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng... nhằm quản lý chặt chẽ số thu, động viên kịp thời nguồn lực cho ngân sách.
Kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra hơn 69.000 tỷ đồng
Thông tin thêm về tình công tác thanh tra, kiểm tra, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng cho biết, năm 2020 ông tác thanh tra, kiểm tra liên tục được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên căn cứ kế hoạch thanh, kiểm tra thuế tại đã được phê duyệt, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục trưởng các Cục Thuế đã chỉ đạo bộ phận thanh, kiểm tra thực hiện phân tích chuyên sâu, phân loại rủi ro thông qua các báo cáo DN trên các ứng dụng của ngành thuế và thông tin thu thập khác. Đối với các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh (nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không,...) thì chưa thực hiện thanh, kiểm tra và xem xét phân tích rủi ro báo cáo cơ quan thuế cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch theo quy định. Đối với các DN không chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và các DN có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện liên hệ với DN để sắp xếp thời gian thanh, kiểm tra tại DN.
Trong năm 2020 toàn ngành Thuế đã thực hiện được 79.560 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở NNT. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 69.010 tỷ đồng. Trong đó: tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.112 tỷ đồng, bằng 105,9% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ là 2.118 tỷ đồng, giảm lỗ là 47.779 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 11.559 tỷ đồng.
Về công tác nợ thuế, để giảm nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 đến từng Cục Thuế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ các Cục Thuế thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng tháng, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện của các Cục Thuế và đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh cho các Cục Thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách.
Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Thuế thực hiện xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Rà soát đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thu nợ ngay khi hết hạn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nên ngành thuế đã tăng thu cho ngân sach thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế mà ngành thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cơ quan có thẩm quyền xử lý xóa nợ) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, ngành Thuế đã đổi mới, đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã triển khai thiết lập Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục Thuế và 415 Chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt, hỗ trợ người nộp thuế 24/7. Kết quả từ khi đi vào vận hành (6/10/2020) đến hết tháng 12/2020, toàn hệ thống đã tiếp nhận và trả lời khoảng gần 1.500 câu hỏi của NNT.
Bên cạnh đó, bộ phận hỗ trợ NNT đã tích cực giải đáp, hỗ trợ quyết toán thông qua điện thoại, thư điện tử và hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận 1 cửa. Cụ thể đã trực tiếp hướng dẫn tại cơ quan thuế với hơn 100 ngàn lượt người; hỗ trợ qua điện thoại với trên 300 ngàn cuộc gọi, hỗ trợ trả lời trên 21.600 văn bản.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899