Bộ Xây dựng đề xuất thanh tra quỹ đất nhà ở xã hội
TCDN - Tại hội nghị báo cáo kết quả thanh tra 10 tháng đầu năm, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - đề xuất thực hiện Thanh tra chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Tại hội nghị báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm và dự kiến kế hoạch năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa diễn ra với tham dự, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - đề xuất kế hoạch thanh tra năm 2022. Thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến tiến hành thanh tra hành chính từ 2 đến 3 đoàn.
Ngoài ra thanh tra chuyên ngành từ 5 đến 8 đoàn, bao gồm việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (từ 2 đến 3 đoàn); việc quản lý nhà nước về xây dựng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ 2 đến 3 tỉnh) trong 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ xây dựng đề xuất thực hiện 2 chuyên đề diện rộng đã được Thanh tra Chính phủ hướng dẫn tại văn bản số 1899/TTCP-KHTH ngày 26/10/2021. Trong đó, có chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đồng ý giao Thanh tra Bộ thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng đối với nhà ở công nhân và cơ quan thanh tra phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Trước đó, tại báo cáo công tác năm 2021 của Kiểm toán nhà nước gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Báo cáo chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập đặc biệt trong công tác bố trí quỹ đất và thực hiện xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đó, cơ quan kiểm toán chỉ ra rằng nhiều dự án không bố trí diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định như: Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B; Đồ án tỷ lệ 1/2000 dự án Sài Gòn Sports City; Đồ án tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phường Tân Định, quận 1; Đồ án QHPK 1/2000 Khu dân cư phía Bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt quận Bình Tân.
Liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội và Tp.HCM, nêu tại Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020, kiểm toán nhà nước cho biết cả 2 địa phương đều thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, Hà Nội chỉ đạt 16% tổng diện tích sàn; Tp.HCM đạt 69% so với kế hoạch.
Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, một số dự án tại Tp.HCM được hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển Nhà ở xã hội bằng một khu đất khác không có trong quy định như Khu dân cư và công viên Phước Thiện, Khu dân cư Hoàng Nam ở phường An Lạc quận Bình Tân.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cho biết, việc cho phép nộp bằng tiền thay cho việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha là không phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều lưu ý các địa phương về nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như Tp.HCM, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội.
Đây là thực trạng đã được báo chí phản ánh tại không ít dự án nhà ở xã hội thời gian qua. Đánh giá về thực trạng các dự án nhà ở xã hội dù chưa mở bán nhưng vẫn xuất hiện giá chênh, chuyên gia bất động sản cho rằng một trong những nguyên nhân bởi nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ít.
Cùng với đó nguyên nhân thiếu nhà ở xã hội tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM còn bởi thiếu quỹ đất, nhiều chủ đầu tư không bố trí 20% quỹ đất trong dự án để làm nhà ở xã hội.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899