Bức tranh tài chính "u ám" của VASS, chi nhánh Thừa Thiên Huế bị phạt

25/08/2022, 09:15
báo nói -

TCDN - Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) chi nhánh Thừa Thiên Huế vừa bị phạt với tổng số tiền phạt là 37,1 triệu đồng do chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT. Trong khi đó, Công ty mẹ VASS cũng báo lỗ 24,6 tỷ đồng quý I/2022. Tổng lỗ lũy kế của VASS đã lên đến gần 381 tỷ đồng hết quý 1.

Bảo hiểm Viễn Đông Thừa Thiên Huế bị phạt do chậm đóng bảo hiểm cho người lao động

Chiều 24/8, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Viết Dũng đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông chi nhánh Thừa Thiên Huế với tổng số tiền phạt là 37,1 triệu đồng do chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chậm đóng bảo hiểm y tế (BHYT).

251c282ff839f86970533c06faf2f293

Theo quyết định, tại thời điểm lập biên bản, đơn vị này chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN với số tiền hơn 122,6 triệu đồng (đã đóng BHXH bắt buộc đến hết tháng 7/2020, đã đóng BHTN đến hết tháng 8/2020).

Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc hơn 115,8 triệu đồng; số tiền chậm đóng BHTN hơn 6,8 triệu đồng; chậm đóng BHYT đối với 3 người lao động với số tiền hơn 29,3 triệu đồng (đã đóng BHYT đến hết tháng 3/2020).

Quyết định xử phạt nói trên cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc đóng đủ số tiền cho cơ quan BHXH (tính đến thời điểm lập biên bản là hơn 153,4 triệu đồng). Buộc nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng tiền đóng.

Đối với hành vi chậm đóng BHYT, buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có). Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ BHYT.

Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông chi nhánh Thừa Thiên Huế có trụ sở chính tại số 04 Lê Hồng Phong (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Văn Chạc, Giám đốc Chi nhánh.

Bức tranh tài chính không mấy khả quan của VASS

Được thành lập từ năm 2003, VASS là một trong những công ty bảo hiểm tư nhân lâu đời nhất tại Việt Nam. Tuy vậy tình hình tài chính của doanh nghiệp này chưa được khả quan. Trong quý 1/2022, VASS báo lỗ 24,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 20,3 tỷ. Tính đến cuối quý 1, tổng lỗ lũy kế của VASS đã lên đến gần 381 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu xuống còn 321 tỷ.

VASS hiện có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Hai cổ đông chính của công ty là Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus, sở hữu 37,1% và CTCP Đầu tư Một trăm, sở hữu 28,6%.

Sau 8 năm giữ chức cố vấn cấp cao của VASS thì đến tháng 6/2021, bà Đỗ Thị Kim Liên (shark Liên) đã chính thức tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty này. Website của công ty cho biết vào tháng 5/2022, shark Liên đã quay trở lại vị trí Tổng giám đốc điều hành của VASS.

Ứng dụng bảo hiểm LIAN - luôn được quảng bá gắn liền với hình ảnh của shark Liên - cũng chính là sản phẩm của VASS.

Shark Liên cũng từng sáng lập và điều hành công ty bảo hiểm AAA. Công ty này cũng thường xuyên lỗ và đã được bán cho lại cho Tập đoàn IAG của Australia vào năm 2013. Đến năm 2021 thì Bamboo Capital (BCG) mua lại công ty này.

"Quả bom" Vinashin khiến VASS phải trích lập dự phòng

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán, năm vừa qua, VASS rót khá nhiều tiền cho đầu tư tài chính. Nhưng khá nhiều trong số đó kém hiệu quả khiến công ty phải trích lập dự phòng. Trong đó, nổi bật là Vinashin.

Với các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn, VASS phải dành 2,3 tỷ đồng lập dự phòng cho 4,2 tỷ đồng đầu tư chứng khoán ngắn hạn. Công ty MTV VD Vinashin vay 1,9 tỷ đồng và khiến VASS phải trích lập 100% khoản vay.

Tại Công ty Cổ phần cấp nước Nhà Bè, VASS có khoản đầu tư trị giá 2,3 tỷ đồng và VASS phải dành 370 triệu đồng dự phòng.

Với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, VASS phải trích lập dự phòng tại 4 công ty. Đó là Công ty cổ phần chứng khoán Viễn Đông, Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Lian, Công ty cổ phần Bột mì Bình An và Công ty Cổ phần Luyện cán Thép Phú. Tổng giá trị trích lập là 69,1 tỷ đồng. Trong đó, Chứng khoán Viễn Đông "ngốn" tới 53,7 tỷ đồng.

Ngày 23/11/2021, Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Xuân Quan - Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông - Chi nhánh Cần Thơ về điều tra hành vi tham ô hơn 1,3 tỷ đồng.

Năm 2021, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 58/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông, địa chỉ: 19 Phùng Khắc Khoan, phường Đakao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với số tiền 70 triệu đồng khi trước đó, công ty này cũng từng nhiều lần bị UBCKNN xử phạt.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Bức tranh tài chính "u ám" của VASS, chi nhánh Thừa Thiên Huế bị phạt tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan