"Các địa phương giao đất cho Xuân Trường xây chùa không rõ ràng"

21/08/2019, 20:21

TCDN - Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức phản hồi về việc các địa phương giao đất cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường xây dựng chùa và khu du lịch tâm linh

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An đến năm 2018 vẫn báo lỗ và chỉ đóng về ngân sách tỉnh một khoản duy nhất là thuế môn bài có giá trị là 3 triệu đồng - Ảnh: Internet.

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An đến năm 2018 vẫn báo lỗ và chỉ đóng về ngân sách tỉnh một khoản duy nhất là thuế môn bài có giá trị là 3 triệu đồng - Ảnh: Internet.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa. 

Một trong những đánh giá quan trọng của Bộ Tài nguyên trong văn bản trả lời chất vấn nói trên chính là việc các địa phương đã thực hiện giao đất không rõ ràng, thiếu căn cứ để thu tiền sử dụng đất.

Giao đất xây chùa không rõ ràng

Theo văn bản của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật đất đai quy định, việc giao đất, cho thuê đất căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư được phê duyệt.

Đối với chùa Bái Đính tại tỉnh Ninh Bình Chùa Bái Đính mới được xây dựng bên cạnh khu vực chùa cổ Bái Đính cũ trên núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Khu núi chùa Bái Đính có quy mô diện tích 1.005,3 ha, nằm trong quy hoạch tổng thể Khu du lịch Tràng An.

Khu núi chùa Bái Đính mới đã được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được tiếp tục thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (phê duyệt năm 2014) và trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp tỉnh, huyện (được phê duyệt trong năm 2017).

Bên cạnh đó, Khu núi chùa Bái Đính cũng thuộc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Bình phê.

Trên cơ sở đó, từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 Quyết định thu hồi diện tích 518,3 ha đất, trong đó có đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; đất rừng, đất hoang.S

Sau đó, tỉnh đã giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc giao đất cho các đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ ở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Đối với chùa Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam, đây là dự án mới được xây dựng bên cạnh chùa cổ Tam Chúc, thuộc quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (quy mô diện tích khoảng 4.000 ha), Bộ cho biết, về cơ bản được thực hiện theo các quy hoạch đã được Thủ tưởng và tỉnh Hà Nam phê duyệt.

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, với diện tích là 2.042.39 ha, chủ đầu tư là Sở Thương Mại Du lịch. Đến năm 2008, UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân trường thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, với diện tích là 2.042.39 ha.

Về giao đất, cho thuê đất: Từ năm 2006 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 4 Quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là 815,1 ha.

Từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 Quyết định thu hồi đất đã giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và giao toàn bộ diện tích 815,1 ha nói trên cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, tỉnh Hà Nam đã giao đất cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường với diện tích 306,1 ha, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có ý kiến về một số dự án du lịch tâm linh khác như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp tại thành phố Hải Phòng… của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Tuy nhiên, đến nay Doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đang làm thủ tục để hủy bỏ thông báo trên.

Đề nghị thanh tra, xử nghiêm vi phạm

Về các vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với các dự án triển khai xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt ĐTM , Bộ Tài nguyên và Môi trường đều yêu cầu Chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động xây dựng, đồng thời Bộ có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai dự án tổ chức thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cho phép Dự án được tiếp tục triển khai sau khi đã làm rõ hiện trạng triển khai xây dựng dự án, các tác động tới môi trường và xã hội, các rủi ro môi trường là hậu quả của việc triển khai dự án chưa có ĐTM, buộc có các phương án giảm thiểu tác động, khắc phục thiệt hại, thậm chí phá dỡ các công trình xây dựng không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới môi trường và xã hội”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý chặt chẽ việc cấp phép đầu tư cho những dự án đầu tư khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh sau khi đã đánh giá đầy đủ giữa chi phí và lợi ích của việc thực hiện dự án.

Tiến hành rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư đang xin cấp phép, các dự án đang triển khai để có những biện pháp điều chỉnh và quản lý phù hợp trên cơ sở thúc đẩy phái triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các dự án có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặt biệt là các dự án có liên quan đến các khu di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, khu bảo tồn, di tích lịch sử văn hóa mà chưa có đánh giá đầy đủ tác động tới môi trường.

Trong một diễn biến có liên quan, theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An đến năm 2018 vẫn báo lỗ và chỉ đóng về ngân sách tỉnh một khoản duy nhất là thuế môn bài có giá trị là 3 triệu đồng.

Nhật Nam
Bạn đang đọc bài viết "Các địa phương giao đất cho Xuân Trường xây chùa không rõ ràng" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận