Các "ông lớn" nhà nước được rót hơn 82.000 tỷ để tăng vốn trong 2016-2017

14/10/2019, 10:43

TCDN - Nguồn bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp chủ yếu được lấy từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp Trung ương và các quỹ tại các tập đoàn, tổng công ty.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ khá lớn - Ảnh minh họa.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ khá lớn - Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2016-2017, trong đó nội dung đáng chú ý là việc ngân sách nhà nước đã phải rót hàng chục nghìn tỷ đồng nhằm đáp ứng cho việc tăng vốn điều lệ cho các tập đoàn, tổng công ty.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến thời điểm ngày 31/12/2018, Bộ Tài chính đã nhận được tổng cộng 70 công văn báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tổng hợp số liệu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, tổng số doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên) được đầu tư bổ sung vốn điều lệ, đầu tư để thành lập doanh nghiệp mới là 132 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trong năm báo cáo là 22.116 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 130 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trong năm là 21.822 tỷ đồng, thực hiện đầu tư thành lập mới 2 doanh nghiệp với số vốn đầu tư là 294 tỷ đồng.

Khối Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầu tư vào 77 doanh nghiệp (trong đó có 76 doanh nghiệp nhà nước và 1 công ty cổ phần) với tổng số vốn 20.404 tỷ đồng, chiếm 92,26%; khối địa phương thực hiện đầu tư vào 55 doanh nghiệp (trong đó có 52 doanh nghiệp nhà nước và 03 công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên) với tổng số vốn 1.712 tỷ đồng, chiếm 7,74%.

Năm 2017, tổng số doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên) được đầu tư bổ sung vốn điều lệ là 132 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trong năm báo cáo là 61.477 tỷ đồng; không phát sinh thực hiện đầu tư thành lập doanh nghiệp mới.

Trong đó, khối Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầu tư vào 82 doanh nghiệp (trong đó có 81 doanh nghiệp nhà nước và 1 công ty cổ phần) với tổng số vốn đầu tư 59.034 tỷ đồng, chiếm 96,03%; khối địa phương thực hiện đầu tư vào 50 doanh nghiệp (trong đó có 46 doanh nghiệp nhà nước và 4 công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên) với tổng số vốn đầu tư 2.443 tỷ đồng, chiếm 3,97%.

Về tình hình đầu tư bổ sung vốn điều lệ với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động, Bộ Tài chính cho biết, trong tổng số dự kiến nhu cầu đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp đang hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu năm 2016, nhu cầu bổ sung cho khối doanh nghiệp thuộc Trung ương là 117.366 tỷ đồng, chiếm 98,39%, nhu cầu bổ sung cho khối doanh nghiệp thuộc các địa phương là 1.917 tỷ đồng, chiếm 1,61%.

Nguồn bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp chủ yếu được bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (Quỹ Trung ương) là 1.615 tỷ đồng, chiếm 1,16%; bổ sung từ Quỹ đầu tư phát triển tại các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp là 103.898 tỷ đồng, chiếm 74,78%;  bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp tại các Tập đoàn, Tổng công ty là 4.251 tỷ đồng, chiếm 3,06%; bổ sung từ nguồn khác là 29.170 tỷ đồng, chiếm 21%.

Theo Bộ Tài chính, thực tế năm 2016, có 126 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với tổng số vốn đầu tư là 21.762 tỷ đồng; Trong đó, khối Bộ, cơ quan ngang Bộ đầu tư vào 75 doanh nghiệp là 20.364 tỷ đồng, chiếm 93,57%; khối địa phương đầu tư vào 51 doanh nghiệp là 1.398 tỷ đồng, chiếm 6,43%.

Trong tổng số dự kiến nhu cầu đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp đang hoạt động của các cơ quan đại diện chủ sở hữu năm 2017, nhu cầu bổ sung cho khối doanh nghiệp thuộc Trung ương là 118.138 tỷ đồng, chiếm 97,84%; nhu cầu bổ sung cho khối doanh nghiệp thuộc các địa phương là 2.613 tỷ đồng, chiếm 2,16%.

Nguồn bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp chủ yếu được bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (Quỹ Trung ương) là 2.473 tỷ đồng, chiếm 1,35%; bổ sung từ Quỹ đầu tư phát triển tại các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp là 103.703 tỷ đồng, chiếm 56,49%;  bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp tại doanh nghiệp là 3.438 tỷ đồng, chiếm 1,87%; bổ sung từ nguồn khác[1] là 73.977 tỷ đồng, chiếm 40,29%.

Thực tế năm 2017, có 127 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với tổng số vốn đầu tư  là 61.305 tỷ đồng; Trong đó, khối Bộ, cơ quan ngang Bộ đầu tư vào 81 doanh nghiệp là 58.913 tỷ đồng, chiếm 96,1%; khối địa phương đầu tư vào 46 doanh nghiệp là 2.392 tỷ đồng, chiếm 3,9%.

Có một số trường hợp các doanh nghiệp được đầu tư bổ sung vốn điều lệ lớn hơn số vốn cần bổ sung, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát lại số liệu và báo cáo rõ các trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ vượt quá mức vốn cần bổ sung trên.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Các "ông lớn" nhà nước được rót hơn 82.000 tỷ để tăng vốn trong 2016-2017 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tái cơ cấu DNNN: Tắc ngay “vòng gửi xe”
Trước thềm Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhìn lại thấy còn ngổn ngang trăm mối. Có những việc quan trọng lại tắc ngay từ khâu đầu tiên.
Thu từ DNNN luôn đạt trên 10% tổng thu NSNN
Trong tổng thu NSNN, thu từ DNNN năm 2011 đạt 17.5% (không tính lợi nhuận, cổ tức nộp NSNN và thu từ dầu thô), năm 2012 là 19.4%, năm 2013 là 22.8%, năm 2014 là 21.4%, năm 2015 là 15.7%, năm 2016 là 13.5%, năm 2017 là 11.4% năm 2018 ước tính đạt 10,7%.