Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc "Siêu Ủy ban" đặt kế hoạch cho năm 2021 thế nào?

06/11/2020, 08:03
báo nói -

TCDN - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) vừa tổ chức Hội nghị công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban cho rằng, năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn nhất trong mấy chục năm trở lại đây. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Ở trong nước, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện nhiệm vụ kép bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa phải duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm thu nhập cho người lao động.

Theo ông Cảnh, những khó khăn lớn trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong năm 2020 của các doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp không đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.

Trước tình hình đó, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Ủy ban đã tổ chức làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty để nắm bắt tình hình, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và chỉ đạo giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho năm 2020.

CMSC vừa tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu.

CMSC vừa tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu.

Tại Hội nghị, đại diện nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, do diễn biến phức tạp và phạm vi ảnh hưởng rộng của dịch bệnh COVID-19 dẫn tới sự thay đổi nhu cầu của thị trường, nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển đã được điều chỉnh. 

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2020 do dịch COVID-19 và lũ miền Trung nên nhu cầu dùng điện giảm thấp nên EVN kiến nghị CMSC cho điều chỉnh kế hoạch sản lượng điện thương phẩm, sản lượng điện bán ở công ty mẹ và kế hoạch tiền lương của công ty mẹ.

Bên cạnh đó, EVN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính ưu tiên nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài. Thực tế là nguồn vốn ODA đang gặp khó khăn trong giải ngân. Trong khi đó, nguồn vốn ODA và nguồn vốn nước ngoài đang rất rẻ nhưng thủ tục tiếp cận rất khó khăn.

Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chính là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, thêm vào đó là những diễn biến thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung gần đây. Do nhu cầu di chuyển và vận chuyển hàng hóa giảm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng đã tập trung tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu, tiết giảm chi phí hoạt động và đàm phán với các chủ nợ về giãn, giảm nợ cho doanh nghiệp. 

Năm 2021, dự báo thị trường hàng không quốc tế vẫn chưa phục hồi mà doanh thu chủ yếu của đơn vị là từ các tuyến bay quốc tế. Thị trường nội địa dự kiến năm 2021 vẫn lỗ do giá bán thấp vì nguồn cung thừa do các hãng hàng không đều tập trung vào thị trường này.

Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị Ủy ban phối hợp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sớm có sự phối hợp để tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines.  Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ ngành hàng không đến hết ngày 31/12/2021 ở những mục như giảm giá cất hạ cánh, giá điều hành bay nội địa, thuế môi trường với xăng dầu hàng không.

Đại diện nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp này đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đồng thời xây dựng các kịch bản sản xuất, kinh doanh theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để kịp thời ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đảm bảo sức khỏe, công việc cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là các đơn vị tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới. Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho thấy những dấu hiệu tích cực...

Đến thời điểm này, Ủy ban đã và đang phối hợp cùng các doanh nghiệp trực thuộc tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020 và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021. “Việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 cần phải tính toán kỹ lưỡng để phù hợp tình hình thực tiễn, có tính khả thi; đồng thời bảo đảm phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế đất nước” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Để có cơ sở chỉ đạo việc lập, phê duyệt kế hoạch năm 2021, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thuộc Ủy ban tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề trọng tâm liên quan tới công tác đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện; các giải pháp và bài học kinh nghiệm.

Đồng thời, các đại biểu cần đánh giá về thuận lợi, khó khăn, dự báo các vấn đề phát sinh, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xác định các kịch bản phù hợp, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp và các giải pháp thực hiện cho năm 2021.

Các Tập đoàn, Tổng công ty cần rà soát, cân đối nguồn lực đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, tập trung thực hiện các dự án dở dang, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2021.

Đối với các dự án đã hoàn thành, các doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán, kiểm toán theo quy định. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, thực hiện đầu tư khi có đủ các điều kiện, phù hợp với quy định pháp luật.

PV
Bạn đang đọc bài viết Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc "Siêu Ủy ban" đặt kế hoạch cho năm 2021 thế nào? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan