Cải cách chính sách thuế: Mở rộng cơ sở thu, tạo nguồn thu bền vững, ổn định
TCDN - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đổi mới quá trình cải cách này thông qua nhiều công cụ khác nhau như: Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách…
Tại buổi làm việc với ông Mitsuhiro Furusawa, Phó Tổng Giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chia sẻ về những kết quả trong điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam thời gian qua.
Thứ trưởng cho biết: Chính sách tài khóa của Việt Nam được điều hành chặt chẽ, linh hoạt. Tỷ lệ huy động NSNN bình quân đạt 24,4%GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21%GDP theo kế hoạch. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, đến năm 2020 dự kiến đạt gần 84% tổng thu NSNN; tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 18% tổng thu NSNN. Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng dần, bình quân 05 năm là 26-27% tổng chi NSNN; tỷ trọng chi thường xuyên (bình quân ước giảm xuống dưới 64% tổng chi NSNN. Qua đó đã tiết kiệm để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình. Tỷ lệ bội chi NSNN giảm dần, ước bình quân cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6-3,7%GDP, thấp hơn dự kiến ban đầu. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được cải thiện và đều thấp hơn trần nợ công được Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, trong điều hành chính sách tài khóa, tỉ lệ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập thực hiện đầu tư công trung hạn, phân bổ dự toán đầu tư công hàng năm.
Đối với cải cách chính sách thuế, đồng quan điểm với ông Mitsuhiro Furusawa, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, ngành Thuế phải tiếp tục mở rộng cơ sở thu nhằm tạo nguồn thu bền vững, ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, để mở rộng nguồn thu thì chính sách thuế chỉ là một khía cạnh, mà quan trọng còn phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chú trọng tới phát triển kinh tế của khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể nhằm tạo động lực đóng góp GDP và nguồn thu NSNN.
“Thời gian qua Bộ Tài chính Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của IMF, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách. Chúng tôi mong muốn IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cải cách thể chế, cách thức quản lý tài chính công, trong đó đánh giá hệ thống thuế hiện tại, cũng như định hướng cải cách chính sách thuế trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Về cải cách cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, ông Mitsuhiro Furusawa cho rằng cần tiếp tục cải cách khu vực nhà nước đóng vai trò quan trọng. Trong đó, đổi mới DNNN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư của khu vực tư nhân, cũng như đổi mới, hiện đại hóa thể chính chính sách tài khóa.
Ông Mitsuhiro Furusawa khẳng định: IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đổi mới quá trình cải cách này, trên cơ sở phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa IMF và Bộ Tài chính Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thông qua nhiều công cụ khác nhau như: Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899