Cần đến 20 tỷ USD cho các dự án tiềm năng tại Dung Quất

14/12/2024, 10:14
báo nói -

TCDN - Đề án hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia (Trung tâm LHD&NL Quốc gia) tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được đề ra với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2050.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức cuộc họp góp ý về đề án hình thành Trung tâm LHD&NL Quốc gia tại KKT Dung Quất, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang chủ trì.

Cùng tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Võ Phiên, Trần Phước Hiền; đại diện các sở, ban ngành liên quan. Về phía Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT; các Phó tổng Giám đốc; cùng đại diện các ban chức năng đơn vị.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu kết luận cuộc họp.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu kết luận cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Rân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc điều chỉnh đề án hình thành Trung tâm LHD&NL Quốc gia tại KKT Dung Quất và đang lấy ý kiến của các cấp liên quan.

Trước mắt, đề án hình thành Trung tâm LHD&NL Quốc gia tại KKT Dung Quất có 5 chương, hướng đến mục tiêu: đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển xanh và bền vững, thu hút đầu tư.

Đề án cũng định hướng việc hình thành Trung tâm này sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu xăng dầu trong nước vào năm 2030. Đồng thời, đề án đặt mục tiêu đạt mức dự trữ nguồn dầu thô để sản xuất trong khoảng 30 ngày và nguồn sản phẩm xăng dầu tiêu thụ trong 30 ngày.

Mục tiêu đến năm 2050, Trung tâm LHD&NL Quốc gia sẽ trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng đạt khoảng 25 triệu tấn dầu quy đổi. Đồng thời, tạo ra hơn 30.000 việc làm mới, đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.

Với định hướng phát triển xanh và bền vững, nguồn điện sử dụng của dự án sẽ có 5 -10% sản lượng sản xuất từ năng lượng tái tạo. Theo đó, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7-10%. Qua đó, giảm lượng khí thải nhà kính khoảng 15%. Đồng thời, tỷ lệ tái chế và sử dụng chất thải trong sản xuất sẽ đạt khoảng 10%. Đến năm 2050, nâng sản lượng điện tiêu thụ từ năng lượng tái tạo của dự án lên 20%. Theo đó, dự án sẽ giảm khoảng 30% lượng phát thải khí nhà kính, đưa dự án trở thành trung tâm năng lượng xanh, bền vững và tiên phong trong khu vực, hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh.

Trung tâm LHD&NL Quốc gia tại KKT Dung Quất được định hướng tập trung phát triển lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu và năng lượng; tự chủ một số nguyên liệu quan trọng, hướng đến việc xuất khẩu nguyên liệu; và hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, đề án cũng định hướng phát triển hạ tầng - tiện ích; liên kết vùng; đầu tư danh mục dự án tiềm năng; hình thành các dự án hoàn thiện hệ sinh thái và gia tăng lợi nhuận cho các nhà máy sẵn có trong khu vực như việc sử dụng các sản phẩm từ NMLD Dung Quất hoặc các nhà máy khác; ưu tiên triển khai các dự án bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và khu vực, các dự án liên quan đến năng lượng mới, năng lượng sạch. Đặc biệt, dự án sẽ ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo công nghệ tái chế… thân thiện với môi trường, góp phần tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tại cuộc họp, các cấp liên quan đã tính toán cần khoảng 16,1 - 20,5 tỷ USD về tổng nhu cầu vốn cho các dự án tiềm năng của đề án hình thành Trung tâm LHD&NL Quốc gia. Theo đó, giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 14,1 - 17,5 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 2 - 3 tỷ USD. Do đó, mỗi năm cần khoảng 770 - 980 triệu USD về tổng nhu cầu vốn.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp về mô hình hoạt động, các cơ chế, chính sách đặc thù… để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.

Để góp phần thúc đẩy tiến độ của đề án, các đại biểu tham gia cuộc họp đã góp ý, đưa ra nhận định về việc cần làm rõ tính kết nối của đề án đến các vùng, miền trong nước; đồng thời, tăng tỷ trọng năng lượng, bổ sung cơ chế, chính sách và đặc biệt là đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của dự án.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh ý nghĩa của việc hình thành Trung tâm LHD&NL Quốc gia tại KKT Dung Quất đối với tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, dự án sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư vào tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo việc làm cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, Trung tâm LHD&NL Quốc gia sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.

“Đối với một số nội dung đại biểu góp ý về vấn đề quỹ đất, giao thông, môi trường, nước thải, hạ tầng liên quan, đặc biệt là việc vận hành tổng thể Trung tâm LHD&NL Quốc gia tại KKT Dung Quất trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư, Sở Công Thương bổ sung vào đề án các ý kiến, kiến nghị có tính thuyết phục cao để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thông qua và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo.

PV
Bạn đang đọc bài viết Cần đến 20 tỷ USD cho các dự án tiềm năng tại Dung Quất tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan