Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm online, kem trộn nguyên chất

13/09/2020, 17:21

TCDN - Mạng xã hội là nơi “lên ngôi” của những món hàng làm đẹp khiến nhiều người tiền mất tật mang khi mua, dùng phải sản phẩm dởm.

Do ảnh hưởng dịch covid- 19, hình thức thương mại điện tử càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, khi thời gian dài làm việc hoặc nghỉ tại nhà các chị em cũng có nhu cầu chăm sóc làn da cho mình cũng như người thân. Cũng từ đó mà hàng loạt biến tướng của kinh doanh mỹ phẩm online ra đời như: “kem trộn nguyên chất”…

Mỹ phẩm online, kem trộn nguyên chất… lừa người tiêu dùng

Kinh doanh mỹ phẩm online không còn là hình thức mới nữa, người tiêu dùng hiện nay cũng đã bỏ túi nhiều kinh nghiệm mua hàng để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, không vì thế mà làm khó người bán hàng, họ đã tinh vi cũng như “nâng cấp” kỹ năng bán hàng để tiếp cận và tăng niềm tin với khách hàng qua hình thức livestream quy trình sản xuất “kem trộn nguyên chất”.

Tại trang Facebook "Kem trộn nguyên chất", mỗi khi livestream bán hàng, chị T.- chủ kinh doanh, đều tự tay trực tiếp "sản xuất" kem trộn để người tiêu dùng được tận mắt nhìn thấy. Quy trình "sản xuất" kem trộn của chị T., khá đơn giản, chị đổ tất cả các loại nguyên liệu cần trộn vào một chiếc thau lớn, sau đó đảo đều hoặc dùng máy đánh trứng trộn đều các thành phần rồi múc đổ vào từng hộp nhựa.

Người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua các sản phẩm kem trộn để làm đẹp

Người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua các sản phẩm "kem trộn" để làm đẹp

Chị T., cũng giới thiệu cho khách hàng mình biết các loại nguyên liệu dùng để làm kem trộn đều là kem của Thái Lan. Với bộ sản phẩm "kem siêu mạnh", gồm 5 sản phẩm: 1 hũ cốt kem 500gr (100% kem nguyên liệu Thái Lan trộn với nước hoa, colagen, vitamin C, kem chống nắng), 1 hũ kem đặc trị cho da đen, 1 hộp colagen tẩy da chết, và 1 tuyp vitamin C để dưỡng da.

Chị T., tư vấn cho khách hàng, “sản phẩm do chính chị tự tay “sản xuất” sau 2 ngày sử dụng thì da trắng lên thấy rõ. Đặc biệt, kem này chỉ sử dụng cho loại da chì, da dày. Nếu da yếu, da nhạy cảm thì không nên sử dụng "kem siêu mạnh" mà sử dụng bộ kem thường (cũng gồm 5 món như trên nhưng hũ cốt kem pha loãng hơn) giá 250.000 đồng/bộ.

Mỗi bộ sản phẩm sử dụng từ 4-6 tháng. Cam kết: "Nếu sử dụng 3 ngày không trắng sẽ hoàn tiền lại". Bộ sản phẩm "kem siêu mạnh" có giá 300.000 đồng, với tổng trọng lượng khoảng gần 1kg.

Kem cốt mà chị T., nói trong livestream đều có nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng trên thực tế không có nhãn sản phẩm ghi các nội dung bắt buộc như: Đơn vị sản xuất, thành phần, công dụng, thời hạn sử dụng... hoặc Vitamin dùng để pha kem trộn cũng đã bị bóc vỏ, bóc hộp.

Bên cạnh loại "kem siêu mạnh" do chị T., “sản xuất”, thì không thể không kể đến loại "kem trộn thuốc tây" được làm chủ yếu vẫn là cốt kem Thái Lan, kèm theo đó là các loại bột được bẻ ra từ các viên thuốc xanh đỏ không rõ chức năng, công dụng nhưng lại được nói là thuốc có tác dụng kích trắng.

Điều đáng ngạc nhiên là dù sản phẩm không rõ chất lượng, "sản xuất" trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh (trộn thủ công bằng tay, bằng máy đánh trứngvà thau trộn đặt dưới sàn nhà), nhưng số lượng đặt hàng của người tiêu dùng quá khủng, lên đến hàng trăm đơn hàng mỗi ngày, số lượt theo dõi và tương tác trong livestream lên đến hàng nghìn người.

Nhưng trên thực tế, các chuyên gia cho biết các sản phẩm kem trộn như trê bên trong đều chứa Corticoid là chất làm ức chế đi khả năng miễn dịch của da, gây viêm da, nhiễm trùng da, thâm nám lan rộng, xuất hiện nhiều mụn nước li ti nổi đầy mặt sau một thời gian sử dụng.

Kem trộn là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

"Kem trộn" là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Theo chia sẻ từ TS.BS Huỳnh Văn Bá - bộ môn da liễu Trường đại học Y dược Cần Thơ - cho biết nhiều người dùng kem trộn, công thức thường có cortibion, Becozym, Aspirin PH8, vitamin E... đem trộn với nhiều loại kem khác nhau để bôi. Do tác dụng của chất corticoid nên sau khi bôi các loại "kem trộn" như trên, da có vẻ trắng hơn, hết mụn nhưng tác hại nguy hiểm lâu dài lại không biết.

Trong một nghiên cứu, tiến sĩ Huỳnh Văn Bá cảnh báo: Trên da những bệnh nhân có bôi "kem trộn" hay các dạng kem bôi có chứa corticoid, người ta tìm thấy sự xuất hiện của một loại ký sinh trùng gây bệnh với tên gọi là Demodex. Một loại côn trùng chân khớp, ký sinh tạm thời tại nang lông, tuyến bã ở người và súc vật.

Đây là một loại ký sinh trùng trú trên da mặt. Một khảo sát cho thấy tỉ lệ này ngày càng gia tăng lên đến trên 30%. Ở người sử dụng "kem trộn" thường xuyên hoặc kem chứa corticoid, Demodex trên da sẽ trỗi dậy số lượng lớn, và trở thành tác nhân gây bệnh.

Các bác sĩ da liễu cảnh báo khi dùng kem có chứa corticoid kéo dài sẽ bị hậu quả như: teo da, giãn mao mạch, đỏ da, rạn nứt da, nhạy cảm ánh sáng, trứng cá mụn mủ, rối loạn sắc tố...

Nạn nhân của kem trộn hỗn tạp này là chị N.T.T. (38 tuổi, ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), chị kể rằng thấy bạn bè rỉ tai xài kem X.T. (do một cơ sở ở Tp.Rạch Giá, Kiên Giang sản xuất) da mặt trắng hồng đẹp lắm nên mua về bôi được hơn 1 năm, ban đầu thấy da trắng đẹp hẳn ra, nhưng sau đó bắt đầu thấy tình trạng nổi ửng đỏ khi ra nắng hoặc khi gội đầu xà bông dính lên mặt... Chị ngưng dùng kem một vài lần là da bị đỏ ngứa, mặt thâm nám hết. Thậm chí, da mặt và khắp người có cảm giác như kiến bò ngứa ngáy, châm chích rất khó chịu.

Mỹ phẩm lậu tăng mạnh, khó kiểm soát

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), mới đây Cục QLTT Hà Tĩnh kiểm tra tài khoản Facebook "Gia Tuệ Gia Hân" kinh doanh một số mặt hàng mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu vi phạm hành chính. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT đã xác minh được địa điểm kinh doanh của tài khoản Facebook này ở đường 26/3, TP Hà Tĩnh.

Vào ngày 08/09/2020, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Hà Giang phối hợp với công an xã Kim Ngọc và Công an huyện Bắc Quang tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Kim Ngọc huyện Bắc Quang. Lực lượng chức năng đều được chủ 2 cơ sở xuất trình giấy phép kinh doanh hàng hóa nhưng không có nội dung kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm.

Những statuts quảng cáo thổi phồng, vi phạm nghiêm trọng những quy định trong quảng cáo thực phẩm, mỹ phẩm của Sử Thị Thẩm

Những statuts quảng cáo thổi phồng, vi phạm nghiêm trọng những quy định trong quảng cáo thực phẩm, mỹ phẩm của Sử Thị Thẩm

Tất cả số hàng mỹ phẩm đều được các đối tượng cất giấu ở phía sau cửa hàng nhằm che giấu lực lượng chức năng. Đối tượng Phạm Thị Đào cũng trú tại xã Kim Ngọc không có giấy phép kinh doanh hàng hóa, không có cơ sở kinh doanh, toàn bộ hàng hóa đều được đối tượng đóng trong các hộp carton, bao tải và bày bán tại sân nhà.

Toàn bộ hàng hóa tạm giữ lên tới gần 20.000 sản phẩm bao gồm: các loại kem dưỡng da, kem trị nám, nước xả vải, tẩy lồng giặt, xịt chống nắng, kem chống nắng, kem tắm trắng, bột tắm trắng, kem body dưỡng trắng, serum dưỡng da, kem dưỡng hoàng cung màu xanh, màu tím, thuốc nhuộm tóc, sữa tắm, nước hoa, dầu gội...

Có thể thấy, công tác kiểm soát các hình thức kinh doanh qua mạng của Cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, nhiều bất cập. Người bán hàng dựa vào đó để đẩy mạnh bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng lại gắn mác là hàng hiệu hay hàng chính hãng để thu hút khách hàng. Tạo cơ hội cho nhiều chiêu trò bán hàng kém chất lượng tràn lan trên mạng, khó mà phát hiện được. 

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam (Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT).

Đối với việc xử phạt những hành vi vi phạm, theo nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật đối với nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm.

Khanh Khanh
Bạn đang đọc bài viết Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm online, kem trộn nguyên chất tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan