Cao tốc Bắc - Nam: Giải phóng mặt bằng chậm, Thủ tướng yêu cầu báo cáo
TCDN - Tính đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua mới bàn giao được 166/653,6 km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ GTVT báo cáo thông tin cho rằng, dự án cao tốc Bắc – Nam đang chậm tiến độ.
Mới đây, báo chí dẫn báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho thấy, tính đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua mới bàn giao được 166/653,6 km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Trong khi theo kế hoạch, các địa phương dự kiến bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2020.
Cũng theo phản ánh, tiến độ trình duyệt thiết kế của các dự án cao tốc Bắc-Nam cũng đang chậm so với kế hoạch yêu cầu của Bộ GTVT là hoàn thành trước ngày 20/2.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phan Quang Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, công tác GPMB tại các dự án cao tốc Bắc - Nam được tách thành các tiểu dự án do địa phương làm chủ đầu tư.
Đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đã bàn giao được 166/653,6km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Cụ thể, dự án Cao Bồ - Mai Sơn địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 11,4/15,2km; cao tốc Cam Lộ - La Sơn (75/98,3km); cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (9,5/78,5km); cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (70/101km).
“Mục tiêu bàn giao xong toàn bộ phần đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 của các địa phương nơi dự án đi qua đã không hoàn thành theo kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, cao tốc Bắc - Nam là dự án có khối lượng GPMB rất lớn. Thời gian qua, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua đã tích cực vào cuộc, nhiều tỉnh thành huy động cả hệ thống chính trị để triển khai công tác đền bù, GPMB và đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể,toàn bộ phần vốn phục vụ công tác GPMB năm 2019 khoảng hơn 4.700 tỷ đồng đã được các địa phương giải ngân hết.
“Thậm chí, một số tỉnh làm tốt như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận… còn đề nghị Bộ GTVT cấp thêm vốn để chi trả đền bù GPMB. Tuy nhiên, hiện nay, còn một số địa phương vì nhiều lý do khách quan và chủ quan chưa thực sự quyết liệt trong công tác GPMB nên kết quả còn thấp”, ông Hiển nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899