CEO An Vui: Startup tiền không phải là tất cả

13/10/2022, 07:07
báo nói -

TCDN - CEO An Vui Phan Bá Mạnh cho rằng, khi thực hiện startup tiền không phải là tất cả. Điều tiên quyết đối với startup là tìm được đội ngũ có thể chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng về giá trị xã hội và giá trị tài chính để cùng nhau đi xa.

Ông Phan Bá Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Người sáng lập Công ty Công Nghệ AN VUI.

Ông Phan Bá Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Người sáng lập Công ty Công Nghệ AN VUI.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Phan Bá Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Người sáng lập Công ty Công nghệ An Vui - cung cấp nền tảng quản lý xe vận tải đường dài thông minh đã có những chia sẻ thẳng thắn về công việc cũng như quan điểm trong kinh doanh của bản thân với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Giúp người dân đi an về vui

Hiện nay, nhắc tới chuyển đổi số ngành giao thông vận tải nhiều người nhắc tới nền tảng công nghệ của An Vui. Vì sao ông lựa chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này?

Khi còn là sinh viên tỉnh lẻ, mỗi lần từ quê ra Hà Nội học hoặc từ Hà Nội về quê tôi lại một lần “hành xác” trên những chuyến xe khách liên tỉnh từ lúc mua vé cho tới lúc lên xe. Tình trạng đó xảy ra với hàng triệu người Việt Nam như tôi.

Năm 2014 tôi đọc 1 báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và thấy rằng vận tải hành khách đường dài có quy mô lớn và còn nhiều tiềm năng. Lúc đó tôi nung nấu ý tưởng làm sao giúp cho doanh nghiệp vận tải quản lý hiệu quả và số hóa ngành vận tải. Tôi lấy nhà xe làm trung tâm, làm sao nhà xe vận hành hiệu quả để người tiêu dùng được hưởng lợi, giúp mọi người có thể “đi an về vui”.

Vì thế, sự ra đời của An Vui sẽ giúp các nhà xe số hóa toàn bộ quy trình hoạt động của mình, thông qua hệ thống các công nghệ như quản lý bán vé, quản lý tổng đài, quản lý hàng hoá… Sau gần 2 năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nền tảng An Vui đã chính thức công bố ngày 1/7/2017.

2 năm dịch Covid-19 khiến ngành vận tải hành khách “điêu đứng”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Covid-19 là cơ hội để công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, rủi của người này là cái may của người kia, An Vui thì thế nào, thưa ông?

Trong giai đoạn dịch bệnh khách hàng của An Vui bị ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm giãn cách xã hội xe vận tải hành khách liên tỉnh bị cấm hoạt động. An Vui thậm chí phải miễn phí cho khách hàng khi khách hàng hoạt động trở lại sau dịch. Doanh thu An Vui sụt giảm 97%. Khách hàng phá sản gần 20% do không thể trụ được trước khó khăn của đại dịch.

ben-xe-mien-tay

Ban đầu chúng tôi không nghĩ dịch kéo dài tới như vậy. Và khi đó chúng tôi thực sự “sốc”, tưởng như phải dường lại. Nhưng cũng rất may mắn đó là trước khi dịch xảy ra, An Vui nhận được vốn đầu tư của VinaCapital Ventures nên.đã giúp chúng tôi tồn tại qua mùa dịch.

Chính trong giai đoạn dịch bệnh đó, An Vui lại có cơ hội tập trung phát triển nâng cấp sản phẩm, Phát triển các phân hệ mới và chuẩn bị nguồn lực để khi dịch kết thúc có thể bung ra thị trường.

Và đúng như dự đoán, khi bình thường trở lại, số lượng nhà xe sử dụng dịch vụ An Vui tăng trưởng trở lại 3 tháng bằng 3 năm trước cộng lại. Đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp vận hành trên 9.000 phương tiện vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên đến 45 chỗ, đang sử dụng giải pháp của An Vui.

Doanh thu của doanh nghiệp vận tải ghi nhận qua hệ thống của An Vui là hơn 260 tỷ đồng/tháng. Hàng tháng An Vui thu phí sử dụng phần mềm dựa trên chuyến xe lăn bánh từ 3.000 - 10.000 đồng/chuyến tuỳ vào từng loại xe từ 9 chỗ đến 45 chỗ.

Các doanh nghiệp vận tải sau khi ứng dụng phần mềm thì khâu quản lý các công đoạn đều chặt chẽ và dễ dàng hơn, bán vé nhanh gọn không nhầm lẫn và đặc biệt là giúp tiết kiệm từ 10 - 15% chi phí vận hành của doanh nghiệp, song doanh thu lại tăng nhờ gia tăng được kết nối với các đại lý và các kênh bán vé online tăng khả năng xúc khách hàng.

Sau khi số hóa nhà xe, bước tiếp theo An Vui thực hiện số hóa bến xe, giúp các bến xe truyền thống quản lý được bến xe thuận tiện nhất đặc biệt là việc bán vé online tại bến xe. Vừa qua, chúng tôi thực hiện thí điểm tại bến xe miền Tây. Trong dịp 2/9 giải pháp An Vui đã giảm tải cho bến xe miền tây rất tốt .

Giai đoạn 3 An Vui hướng tới mở kho vé để các kênh có người dùng lớn có thể bán vé xe online như: Các ứng dụng ngân hàng hay các ví điện tử Momo, VNPAY đến những kênh bán vé du lịch trong và ngoài nước ….

Khi khởi nghiệp phải hiểu thị trường

Đây là lần khởi nghiệp thứ 4 của ông. Sau những thất bại, ông rút ra bài học gì?

Tháng 8/2007, tôi và hai người bạn thành lập Công ty cổ phần Công nghệ ATO, chuyên quản lý và phân phối các thiết bị mã số, mã vạch. Hiện tại, ATO đã có những thành quả tốt và mang lại lợi nhuận.

Năm 2013, sau khi ATO đã ổn định, tôi thực hiện Dự án Giặt là công nghiệp Green Tech. Tuy nhiên, Dự án có những điểm sai lầm và đã phải dừng lại sau hơn một năm hoạt động, thiệt hại cũng khá lớn.

Dự án Dobody - ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên internet cũng đã thất bại.

CEO AN VUI đã startup thất bại 2 lần để có được thành công.

CEO AN VUI đã startup thất bại 2 lần để có được thành công.

Sau khi thất bại tôi đã mất khá nhiều thới gian để nhìn lại xem lý do vì sao mình thất bại. Đối với dự án giặt là công nghiệp, tôi có công nghệ nhưng lại không hiểu về những đặc thù của thị trường, về nhu cầu của người sử dụng nên dù có đầu tư nhà máy lớn, công nghệ hiện đại thì tôi vẫn thất bại.

Do đó, nghiên cứu thị trường chính là một yếu tố quan trọng mà các startup cần phải quan tâm hàng đầu khi muốn khởi nghiệp. Ngoài việc xác định qui mô thị trường, rào cản khi gia nhập còn phải tính đến những yếu tố hết sức đặc thù của ngành mà chỉ có những người đã từng trải nghiệm trong ngành đó mới có được.

Hiện nay có rất nhiều người startup, ngoài thị trường, theo ông yếu tố nào khiến cho startup thành công?

Như trên tôi đã nói, thị trường chính là một yếu tố quan trọng mà các startup cần phải quan tâm hàng đầu khi muốn khởi nghiệp.

Hiện nay có 3 hình thức khởi nghiệp thường thấy: Làm cách làm mới cho một thị trường mới, cách làm mới, tối ưu hơn cho thị trường cũ và cách làm cũ cho thị trường mới. Mỗi cách đều có những ưu, nhược điểm riêng riêng nhưng lưu ý với thị trường mà đã có các tập đoàn lớn tham gia thì mình phải có cách làm sáng tạo hơn còn chỉ đơn thuần là học và làm theo thì cơ bản là thất bại.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang khởi nghiệp và tồn tại được ở dạng cách làm mới cho thị trường cũ. Họ sẽ cải tiến chi phí, phương pháp tiếp cận để mang lại hiệu quả tối ưu.

Nếu bạn chăm chăm gọi vốn, với tình hình tài chính như hiện nay không còn nguồn vốn giá rẻ nữa. Mặt khác nếu mô hình của bạn chưa chứng minh được tính khả thi bằng những kết quả kinh doanh mang lại bước đầu thì rất khó để bạn có thể tiếp cận nguồn vốn hiện nay.

Với tôi việc gọi vốn thành công chỉ là “chuyển từ nguy cơ thất bại nhỏ sang nguy cơ thất bại lớn” mà thôi. Bởi khi doanh nghiệp còn bé chưa gọi được vốn nếu thất bại thì cũng chỉ mình bạn và nhóm của bạn phải gánh chịu, còn khi bạn đã gọi vốn thành công thậm chí gọi được vốn lớn nếu thất bại thì đương nhiên sẽ mang đến hậu quả lớn hơn nhiều. Chính điều đó mà sau khi gọi được vốn những quyết định của bạn cần phải cẩn trọng hơn và quyết liệt hơn vì bạn đã được trao một cơ hội để tăng tốc hãy trân trọng và cẩn trọng với nó.

Tôi làm startup thì tôi thắng bằng cách nào? Thông thường startup có lợi thế lớn mà doanh nghiệp lớn không có đó là tinh thần chấp nhận thay đổi, nếu biết tận dụng thì trở thành nguồn lực và tạo ra tính cơ động cho doanh nghiệp. Do đó tôi cho rằng tiền không phải là quan trọng nhất, điều tiên quyết đối với startup là tìm được đội ngũ có thể chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng và giá trị xã hội và giá trị tài chính để cùng đi với nhau.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có muốn chia sẻ gì với các doanh nhân đặc biệt là những bạn trẻ khởi nghiệp không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là doanh nhân. Tôi chỉ đơn thuần là người luôn tìm cách để làm sao mang lại giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội nhiều hơn mà thôi. Khi lao vào kinh doanh rồi thì thấy, những thứ mọi người thấy bên ngoài như sự thành công, thành đạt… chỉ là bên ngoài. Lúc khó khăn của doanh nghiệp là khá đơn độc và những lúc như vậy mới thấy được sẽ thật may mắn trong đội ngũ của bạn có những đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ.  Nhưng sau khi bước qua thách thức ấy thì khả năng và năng lực vượt thử thách của bạn sẽ trưởng thành hơn. Khi đó tôi thấy hạnh phúc với những thứ đã trải qua để sẵn sàng chờ đón những thử thách mới.

Tôi vẫn tâm niệm, nếu đi 1 mình có thể đi nhanh nhưng không bao giờ đi dài được. Bước vào kinh doanh kiên quyết là lựa chọn đồng đội, hành trình kinh doanh không bao giờ là bằng phẳng, tiềm ẩn phía sau là thách thức lớn có thể chưa đến. Khi nào thấy mình ở đỉnh dốc thì bên kia chắc chắn là sườn dốc vì thế phải luôn luôn đặt ra thử thách mới.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết CEO An Vui: Startup tiền không phải là tất cả tại chuyên mục DOANH NHÂN của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Định giá tài sản trí tuệ của các startup: Thiếu trung gian, Yếu kỹ năng thương mại hóa
Tài sản sở hữu trí tuệ hiện là tài sản lớn nhất, giá trị nhất của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, do chưa tiếp cận được với tổ chức trung gian nên các phương án góp vốn bằng công nghệ chưa được xác định giá trị đúng mức để thương mại hóa và triển khai.