Chi phí y tế, giáo dục có thể được trừ trước khi tính thuế TNCN
TCDN - Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế TNCN các khoản chi cho y tế, giáo dục - đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế theo mức do Chính phủ quy định.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN hiện hành đã quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng; đồng thời Luật cũng quy định không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản trợ cấp, phụ cấp đặc thù, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo...
Thời gian qua có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế. Qua đó, tạo điều kiện cho người nộp thuế tiết giảm được một phần chi phí cho các hoạt động này.

(Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính nêu rõ, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước nhằm phát huy tốt vai trò, ý nghĩa của chính sách thuế TNCN trong việc điều tiết thu nhập nhưng có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của người nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác bên cạnh các khoản đóng góp cho từ thiện, nhân đạo đã được quy định tại Luật hiện hành trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế, cụ thể: Người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế các khoản chi cho y tế, giáo dục - đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế.
Do đó, tại Điều 20. 12. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và các khoản giảm trừ khác được bổ sung, sửa đổi theo hướng:
“1. Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
a) Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;
b) Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học;
c) Khoản đóng góp vào các tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cơ sở và các quỹ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều khoản này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.
2. Người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế các khoản chi cho y tế, giáo dục – đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế theo mức do Chính phủ quy định.
Các khoản chi quy định tại khoản này phải đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và không được chi trả từ các nguồn khác.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Bộ Tài chính cho hay, phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ đối với các khoản chi cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại thu nhập trong nền kinh tế. Do vậy, đề nghị giao Chính phủ quy định chỉ tiết để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội.
Trước đó, bà Vũ Thu Hà, Phó tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam đề xuất thiết kế và mở rộng các hình thức giảm trừ gia cảnh đa dạng như: Cho phép giảm trừ một số chi phí sinh hoạt và tiêu dùng thường xuyên của người nộp thuế trên cơ sở thực tế phát sinh như chi phí khám sức khỏe và chi phí tiền học cho con. Áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho các đối tượng người phụ thuộc khác nhau dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập và địa bàn sinh sống.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899