Chiếm 70% việc làm nhưng kinh tế cá thể chỉ góp 31% tăng NSLĐ

11/04/2020, 13:18

TCDN - Khu vực kinh tế cá thể cung cấp trên 70% việc làm cho nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp 31% tăng năng suất lao động (NSLĐ). Điều này phản ánh sự thiếu hiệu quả của khu vực này trong nền kinh tế.

1_496008

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Kinh tế Quốc dân (đồng chủ biên Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 của), trong giai đoạn 2011 – 2018, khu vực kinh tế cá thể có đóng góp lớn nhất (chiếm 31%) cho tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế. Nguồn chính khẳng định đóng góp của khu vực này cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể là sự cải thiện NSLĐ của bản thân khu vực kinh tế cá thể. Khu vực này cung cấp trên 70% việc làm cho nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp 31% tăng NSLĐ phản ánh sự thiếu hiệu quả của khu vực này trong nền kinh tế.

Cũng nằm trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực kinh tế tập thể mặc dù có mức tăng NSLĐ lớn nhất nhưng tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực này rất nhỏ nên không có tác động đáng kể đến tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế. Khu vực này chỉ đóng góp 3% cho tăng trưởng NSLĐ chung của nền kinh tế trong giai đoạn 2011 – 2018. Kinh tế tư nhân đóng góp 13% cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể, và phần lớn là do hấp thụ luồng lao động từ khu vực kinh tế cá thể có mức NSLĐ thấp hơn dịch chuyển sang.

Khu vực kinh tế FDI có đóng góp lớn thứ hai (chiếm khoảng 30%) và ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Với vai trò là khu vực tạo việc làm có năng suất cao trong nền kinh tế, khu vực này đón nhận luồng lao động dịch chuyển từ khu vực kinh tế có mức NSLĐ thấp hơn trong nước, nhất là từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Do đó, đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn này phần lớn là do hấp thụ lao động từ khu vực kinh tế trong nước có mức năng suất thấp hơn.  

Khu vực kinh tế Nhà nước có đóng góp lớn thứ ba (chiếm khoảng 22%) cho tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế, chủ yếu là do NSLĐ của khu vực tăng lên trong giai đoạn vừa qua. Phần chia lao động của khu vực trong tổng lao động giữ tương đối ổn định nên chuyển dịch cơ cấu có đóng góp không đáng kể cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể.

Cũng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khu vực kinh tế cá thể có mức NSLĐ thấp nhất, đạt 17,83 triệu đồng/lao động năm 2010 và tăng gấp 1,5 lần, lên mức 27,52 triệu đồng/lao động năm 2018 nhưng vẫn chưa bằng 1/2 NSLĐ tổng thể.

"Có thể nhận thấy rằng khu vực kinh tế cá thể ngày càng thua kém các khu vực kinh tế chính thức khác về mặt hiệu quả mặc dù khu vực kinh tế cá thể có sự tham gia đông đảo nhất của lực lượng lao động xã hội nên có thể coi đây là khu vực kinh tế quan trọng, quyết định mức NSLĐ và tốc độ tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế" - GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết thêm, năm 2018, trên 83% lao động của nền kinh tế làm việc trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó, khu vực kinh tế cá thể tạo ra trên 70% việc làm của nền kinh tế. Nếu việc dịch chuyển lao động từ khu vực kinh tế cá thể sang các khu vực tiên tiến có quy mô lớn hơn diễn ra thuận lợi thì NSLĐ tổng thể sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, việc tạo môi trường để DN phát triển lên quy mô lớn hơn là bài toán cốt lõi để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Chiếm 70% việc làm nhưng kinh tế cá thể chỉ góp 31% tăng NSLĐ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan