Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tại một số quốc gia trên thế giới và bài học đối với Việt Nam

07/12/2020, 09:11

TCDN - Dù không có bề dày lịch sử phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) như các nước Âu - Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, các đất nước Trung Đông… đã có những bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực KH&CN, làm nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế- xã hội quốc gia.

Tóm tắt

Bắt đầu từ Thế kỉ XIX, và đặc biệt từ Thế kỉ XX, thế giới chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của công nghệ Châu Á. Dù không có bề dày lịch sử phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) như các nước Âu - Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, các đất nước Trung Đông… đã có những bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực KH&CN, làm nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế- xã hội quốc gia. Bài nghiên cứu này sẽ phân tích các chiến lược phát triển KH&CN tại một số quốc gia trong cùng khu vực với Việt Nam để rút ra những bài học có giá trị cho việc phát triển KH&CN của Việt Nam bao gồm: Trung Quốc, Singapore và Israel.

Trường hợp Trung Quốc

Được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển KH&CN hiện tại, với mục tiêu ngắn hạn đứng khoảng thứ 15 trên thế giới về chỉ số sáng tạo khoa học công nghệ trong năm 2020 và mục tiêu dài hạn trở thành cường quốc khoa học công nghệ vào năm 2050, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm qua một chặng đường dài đầu tư phát triển KH&CN.

Từ năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách hệ thống KH&CN thông qua quyết định cải cách hệ thống tài chính cho nghiên cứu và phát triển theo cơ chế thị trường. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã xây dựng và ban hành nhiều hệ thống văn bản pháp luật về KH&CN với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN như Luật phát triển KH&CN; hợp đồng công nghệ; truyền bá (diffusion) công nghệ nông nghiệp; phổ biến (dissemination) KH&CN… Hệ thống luật pháp được thay đổi với mục đích chuyển đổi vai trò của Chính phủ từ việc quản lý các dự án nghiên cứu phát triển sang nhiệm vụ đưa ra chiến lược và chính sách chung để phát triển lĩnh vực KH&CN toàn đất nước. Chính phủ Trung Quốc thực hiện đổi mới chính sách quản lý, cơ chế cấp kinh phí nghiên cứu cho các trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia từ doanh nghiệp nhằm thu hút nhiều thành phần trong cả nước tham gia phát triển KH&CN và mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đáng tiêu biểu trong năm 1999, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện cải tổ 380 Viện nghiên cứu của Chính phủ theo hướng sát nhập vào các doanh nghiệp hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp theo một phần trong chương trình “Hệ thống đổi mới quốc gia (NSI)”, nhằm mục đích xây dựng và phân bổ tối ưu nguồn lực KH&CN. Theo hệ thống NSI, Nhà nước/Chính phủ đóng vai trò kết nối, tạo môi trường chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực Hàn lâm (các Trường Đại học, Viên nghiên cứu,…) và khu vực Công nghiệp (bao gồm cả các Doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân) nhằm đẩy mạnh lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Bước sang giai đoạn 2006 - 2030, Trung Quốc đề ra mục tiêu trung và dài hạn về phát triển KH&CN: trở thành một “xã hội định hướng đổi mới” vào năm 2020, và trở thành một nước dẫn đầu thế giới về KH&CN vào năm 2050 với hàng loạt chính sách phát triển KH&CN toàn diện, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Một số chính sách tiêu biểu của giai đoạn này là việc tạo môi trường thuận lợi cho các công ty công nghệ thông qua các chính sách ngân hàng khuyến khích khởi nghiệp; xây dựng và hoàn thiện cơ chế đầu tư mạo hiểm cho các công ty mới khởi nghiệp cũng như khuyến khích thành lập các công ty thông qua việc sửa đổi các quy định, Luật và các chính sách liên quan; đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thị trường vốn, thị trường chứng khoán cấp 2, thị trường trao đổi quyền sở hữu. Chính phủ cũng khuyến khích các cơ quan tài chính cho vay ưu đãi, tăng cường các dịch vụ tài chính phục vụ các công ty công nghệ cao, đặc biệt là các công ty nhỏ nhằm hỗ trợ các dự án công nghiệp hóa công nghệ và ứng dụng các thành tựu công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các công ty nhỏ tăng vốn và đổi mới công nghệ.

Trong chiến lược tiếp theo, Trung Quốc tăng cường đáng kể đầu tư vào KH&CN với kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt mức 360 tỷ NDT vào năm 2010 và 900 tỷ NDT vào năm 2020, tương đương 2% GDP vào năm 2010 và 2,5% GDP vào năm 2020. Đầu tư xã hội cho KH&CN sẽ đạt 730 tỷ NDT vào năm 2010 và 1800 tỷ NDT vào năm 2020. Trên thực tế, theo số liệu thống kê, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Bắc Kinh trong năm 2017 đạt 1932 tỷ NDT (tương đương 280 tỷ USD) tăng 12,3% và đạt mức kỷ lục, chiếm 2,13% trong tổng lượng GDP quốc gia, và chiếm 20% tổng lượng đầu tư NCPT toàn thế giới.

Như vậy, từ năm 1980 đến nay, một số điểm nổi bật quan trọng trong xây dựng cơ chế chính sách nhằm phát triển KH&CN của Trung Quốc là: (i) Thu hút nhiều thành phần trong cả nước tham gia và mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ NSNN để phát triển KH&CN; (ii) Tập trung cải thiện nguồn nhân lực; (iii) Xây dựng chính sách tài trợ và tài chính hướng đến việc khuyến khích nghiên cứu phát triển, cung cấp tài chính cho xuất và nhập khẩu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ; (iv) Xây dựng môi trường thuận lợi cho các công ty công nghệ phát triển và tập trung phát triển công nghệ mũi nhọn. So với chiến lược phát triển KH&CN của Trung Quốc, hiện các chính sách của Việt Nam chưa chú trọng vào việc tập trung cải thiện nguồn nhân lực, trong khi Trung Quốc đưa chiến lược này trở thành một trong những lĩnh vực then chốt trong thời kì nền tảng phát triển KH&CN của quốc gia với hàng loạt các chế độ tuyển dụng, cơ chế hỗ trợ và quyền lợi cho đội ngũ nhân lực phát triển KH&CN. Vì vậy, đây là lĩnh vực Việt Nam cần học tập và phát triển.

14-1cong nghe 17-5

Trường hợp Israel

Israel là quốc gia có mật độ các doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê, cứ 1.844 người dân Israel thì có 1 công ty khởi nghiệp và có các công ty khởi nghiệp thành công như: Houzz, Mobileye, Waze, Wix... Israel cũng là đất nước có tỷ lệ chi hàng năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng năm cao nhất thê giới, tương đương 4,2% GDP và đứng thứ 13 trên thế giới về số lượng sản phẩm KH&CN trên đầu người. Đội ngũ nhà khoa học và chuyên gia của Israel lên tới 140 người/10.000 lao động, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác như Mỹ và Nhật Bản. Sự phát triển ồ ạt và mạnh mẽ của làn sóng KH&CN tại Isareal nằm ở 3 yếu tố chính sau bao gồm: (i) Thành lập Văn phòng trưởng Khoa học gia (Office of the Chief Scientists - OCS) có nhiệm vụ tạo ra sự đổi mới và lãnh đạo trong việc xây dựng và thực hiện chính sách khoa học, đưa ra lời khuyên chiến lược cấp cao về vai trò của khoa học, nghiên cứu và đổi mới đáp ứng các thách thức kinh tế và an ninh của Israel. Sự ra đời của OCS đã tạo điều kiện thúc đẩy trào lưu nghiên cứu KH&CN tại Israel, cung cấp 50-80% số quỹ hỗ trợ cho startup mới mà không cần điều kiện cũng như không tham gia điều hành, quản lý; (ii) Làn sóng nhập cư ồ ạt của các nhà khoa học, kỹ sư, tiến sỹ…gốc Do Thái vào Israel sau khi khối Xô-viết tan rã, đem lại sức sống mới cho nên khoa học Israel, đồng thời kết nối khoa học, kỹ thuật của Israel với các nước trên thế giới; (iii) Sự thành lập của Bộ Khoa học, Công nghệ và Vũ trụ với chức năng là cơ quan đưa ra các chính sách quốc gia về khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nghiên cứu, cũng như triển khai các dự án trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên phát triển. Hàng năm, cơ quan này dành tới 80% số ngân sách của mình (hàng chục triệu USD mỗi năm) để hỗ trợ các nhà khoa học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN, thành lập các chương trình ươm tạo công nghệ và thành lập các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm.

Đối với trường hợp phát triển KH&CN của Israel, quốc gia này tập trung chủ yếu vào chiến lược phát triển nhân tài và thành lập hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển của Israel là việc Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư vốn và các Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân và gánh phần rủi ro nếu xảy ra thua lỗ, hoặc để cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng nguồn vốn một cách chủ động và linh hoạt theo nhu cầu của từng dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đó. Điều này đã thúc đẩy số lượng các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN tại Israel tăng lên đột biến cả về chất lượng lẫn số lượng.

Trường hợp Singapore

Singapore là quốc gia có nhiều chính sách hấp dẫn cho thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh mức thuế thấp và điều kiện kinh doanh dễ dàng, yếu tố quan trọng thu hút các doanh nhân trên thế giới đến Singapore là sự đa dạng các nguồn tài chính cho khởi nghiệp, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, mang tính cạnh tranh cao.

Để khuyến khích các nhà đổi mới và doanh nhân chấp nhận mạo hiểm, Singapore đã thiết lập luật lệ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, bao gồm Luật phá sản, đã được sửa đổi từ năm 1999 như là một phần của Chương trình Technopreneurship 21. Các thủ tục phá sản của Singapore nằm trong số nhanh nhất (9,6 tháng so với trung bình 29 tháng đối với các nước) và ít tốn kém nhất (ở mức 1% giá trị bất động sản của người mắc nợ so với mức trung bình 13% ở các nước), cho phép các doanh nghiệp bị phá sản bắt đầu trở lại sau thanh lý. Giảm thời gian thủ tục phá sản từ trung bình 29 tháng xuống còn 10 tháng có thể làm tăng khả năng công ty tham gia thị trường lên 10 điểm phần trăm, còn giảm chi phí từ trung bình từ 13% xuống còn 1% giá trị bất động sản của người nợ có thể cải thiện con số đó lên 11 điểm phần trăm.

Để thúc đẩy đổi mới và tinh thần kinh doanh, chính phủ đưa ra một khung chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đa dạng và phú. Tiêu biểu là các khuyến khích ưu đãi thuế. Năm 2016, tổng thuế suất của Singapore bằng 18,4% lợi nhuận, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD thu nhập cao ở mức 41,2%, theo Ngân hàng Thế giới. Ngoài luật pháp và khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, chính phủ Singapore đã thành lập các viện nghiên cứu công (PRI), các tổ chức đầu tư và hệ thống hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp dựa vào công nghệ. Bên cạnh đó là hàng loạt các chương trình tài trợ, đầu tư cổ phiếu bởi các cơ quan, trung tâm, Quỹ đầu tư,…cho nhiều đối tượng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Theo nghiên cứu của Preqin và Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Singapore, số lượng các dự án đầu tư mạo hiểm đã gia tăng từ 8 trong năm 2007 lên 73 trong năm 2013, với tổng giá trị tăng từ 12 triệu USD lên 454 triệu USD. Trong giai đoạn này, các giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Singapore chiếm ưu thế trong khu vực ASEAN với trung bình hàng năm chiếm 66% tổng số lượng giao dịch của khu vực.

Đồng thời, Chính phủ Singapore cũng rất chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN như chương trình đào tạo doanh nhân được triển khai trong các trường học từ năm 2000 để nuôi dưỡng tư duy kinh doanh, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và cộng đồng, các chương trình phát triển vườn ươm (The Incubator Development Programme - IDP) và chương trình ươm tạo công nghệ (The Technology Incubation Scheme - TIS). Singapore đã chứng kiến sẽ phát triển nhanh chóng về số lượng các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu Singapore hàng năm, cũng như cơ sở hạ tầng, dịch vụ chuyên môn trong hệ sinh thái KH&CN.

Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Để phát triển hiệu quả các hoạt động phát triển khoa học công nghệ hơn nữa, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, một số kinh nghiệm Việt Nam có thể học hỏi bao gồm:

- Chú trọng cải thiện chiến lược nhân lực nhằm tạo ra hệ thống mở mang tính cạnh tranh, phát triển nhân lực KH&CN trong nước, đồng thời tăng cường thu hút nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài dựa trên cơ sở có chọn lọc. Học tập chương trình “Cường quốc nhân tài” tại Trung Quốc hay chiến lược đào tạo doanh nhân trong các trường học tại Singapore, Việt Nam có thể xây dựng một khung cơ chế tuyển dụng, đánh giá, cải cách công tác quản lý nhân tài cạnh tranh và mang định hướng thị trường. Xây dựng chương trình kết nối với đội ngũ nhân tài, chuyên gia, đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao vị trí cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trên thế giới và thu hút nhiều đầu tư khoa học công nghệ hơn nữa vào Việt Nam.

- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) với mục tiêu phát triển khoa học công nghệ trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Mặc dù kinh phí đầu tư cho KH&CN của Việt Nam gia tăng đều qua các năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đổi mới KH&CN. So với các nước, tỷ lệ chi cho KH&CN trên GDP của Việt Nam còn thấp, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cả khu vực Nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, trong khi bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Sigapore 2,2%; Malaisia 1,3%; Trung Quốc 2,1% GDP). Đặc biệt, cần có chiến lược rõ ràng trong việc đầu tư NCPT vào lĩnh vực nào là mũi nhọn và thế mạnh của đất nước, tạo vị thế cạnh tranh vững vàng.

- Tạo môi trường phát triển khoa học công nghệ thuận lợi thông qua hành lang cơ chế, chính sách:

+ Hiện nay, Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo như: Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69/2014/QH13), Luật Chuyển giao công nghệ, Luật KH&CN, Luật Công nghệ cao... Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển KH&CN nằm ở việc triển khai thực hiện (chính sách ban hành nhưng khi hướng dẫn lại có một số quy định chưa phù hợp với thực tế, quá trình thực hiện chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật...). Vì vậy, vẫn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do khởi nghiệp sáng tạo là lĩnh vực có nhiều rủi ro, chỉ một số nhà đầu tư mạo hiểm và tiềm lực tài chính mạnh quan tâm đến và xem xét để đầu tư.

+ Bên cạnh đó, hiện Việt Nam rất chú trọng đầu tư các Quỹ nhằm hỗ trợ lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo như một số quỹ tài chính nhà nước/tổ chức tài chính nhà nước liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo bao gồm: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (ĐMCNQG), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (PT KH&CN) quốc gia, Quỹ PT KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, do nhiều Quỹ có mục tiêu hoạt động và chức năng tương đối giống nhau, vì vậy cần thiết phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các Quỹ để tránh gây chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và tư nhân mà không đem lại hiệu quả cao.

+ Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo trong nước và ngoài nước. Thiết lập nhiều hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia khác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và khoa học công nghệ. Tạo môi trường kết nối các thành phần trong cả nước hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo để liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tạo thành một cộng đồng phát triển chung. Từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức sự kiện thường niên TechFest - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (là một Hội chợ kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cơ quan nhà nước) với mục đích quy tụ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối đầu tư trong nước và quốc tế và trở thành một kê hiệu quả trong việc góp ý, đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

ThS. Bùi Lê Phương

Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính

Tạp chí in số tháng 11/2020

Bình luận

Tin liên quan

AQ - chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị
Năng lực cần thiết cho con người trong bối cảnh hiện nay là chỉ số thích ứng (AQ) - một chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị - TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhận định.
Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.