Chính phủ "thúc" chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN

26/06/2023, 11:03
báo nói -

TCDN - Nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực hiệu quả của PVN, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN.

Trong thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 tập đoàn, tổng công ty về sản xuất kinh doanh, Thường trực Chính phủ yêu cầu CMSC xử lý phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines (mã: HVN) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Nhiệm vụ chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022. Mục đích nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực hiệu quả của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu.

Chính phủ thúc tiến độ chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN.

Chính phủ thúc tiến độ chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN.

Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp ý kiến các bộ và đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15/7/2023.

Chính phủ cũng yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ quy luật cạnh tranh; rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại, bảo đảm hiệu quả, chú trọng tiết giảm chi phí, không để tiếp diễn tình trạng lỗ lớn hiện nay.

Trước đó, vào tháng 2/2023, Vietnam Airlines đã mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của hãng tại Skypec.

Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc, cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways,…

Giai đoạn 2016-2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng trên dưới 40% mỗi năm. Skypec ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất vào năm 2019 với doanh thu hơn 29.200 tỷ đồng, lợi nhuận 653 tỷ đồng, chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 làm tê liệt ngành hàng không, doanh thu và lợi nhuận của cả Vietnam Airlines và Skypec lao đáy trong các năm 2020 - 2021.

Do làm ăn thua lỗ, cổ phiếu của Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) đã nhiều lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) lưu ý về khả năng hủy niêm yết.

Nói về Vietnam Airlines, trong hai năm 2020 và 2021 doanh nghiệp này bị lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng. Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm, khả năng cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết.

Hiện hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đã bị HoSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5/2023 do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Được biết, trong Báo cáo tài chính tự lập của Vietnam Airlines, năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng 10.400 tỷ đồng, đánh dấu 3 năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 âm 10.000 tỷ đồng. Trong trường hợp báo cáo kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines tiếp tục lỗ, cổ phiếu HVN có thể sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ "thúc" chuyển Skypec từ Vietnam Airlines về PVN tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan