Chững đà tăng vọt, VN-Index chỉ nhích nhẹ hơn 1 điểm
TCDN - Hầu hết khoảng thời gian VN-Index “ngụp lặn” dưới tham chiếu do thị trường có động thái thận trọng hơn sau phiên tăng mạnh. Đồng thời tác động của các giao dịch lướt sóng ngắn hạn khiến VN-Index chỉ có được hơn 1 điểm.
Sau phiên giao dịch khiến VN-Index tăng "bốc đầu" gần 36 điểm ngày hôm qua (2/11), tâm lý của các nhà đầu tư có vẻ dè dặt và thận trọng hơn. Đồng thời, dưới tác động của các giao dịch lướt sóng ngắn hạn đã khiến thị trường đánh võng nhiều lần trong suốt phiên.
VN-Index “ngụp lặn” dưới tham chiếu trong phiên giao dịch buổi sáng. Đến đầu phiên chiều khi thị trường chạm đáy, chỉ số chỉ còn 151 mã tăng/343 mã giảm. Lực cầu bắt đáy xuất hiện sau đó cải thiện giao dịch, thanh khoản tăng dần lên và độ rộng cũng tốt hơn. Đến phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục.
Chốt phiên 3/11, chỉ số VN-Index tăng 1,31 điểm, tương đương 0,12%, lên 1.176,78 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE cải thiện lên 14.317 tỷ đồng, một phần vì đây là phiên ETF tái cơ cấu.
Trở lại với các nhóm ngành, ngân hàng là nhóm phân hóa mạnh nhất. Theo đó, TCB tăng 5,62%, HDB tăng 4,26%, OCB tăng 5,3%, MSB tăng 2,31% nhưng VPB lại giảm 2,46%, ACB giảm 1,12%, MBB giảm 1,69%, STB giảm 1,72%, SHB giảm 1,83%, TPB giảm 2,13% và SSB giảm 6,36%.
Cổ phiếu chứng khoán biến động với biên độ khá hẹp, đa số dưới 1%, dù phiên trước đó giao dịch hết sức sôi động.
Cổ phiếu bất động sản phân hóa rõ rệt. Trong khi VHM tăng 1,38%, VRE tăng 4,95%, NVL tăng 3,93%, VCG tăng 2,61%, SJS tăng 6,21%, DXS tăng 3,34%, CTD tăng kịch trần thì KDH giảm 2,67%, NLG giảm 1,23%, HDG giảm 1,12%, AGG giảm 1,35%, SZC giảm 1,01%.
Tình hình có phần tương tự ở nhóm sản xuất, ngay trong nội bộ các ngành cũng phân hóa. Như với các mã vốn hóa top trên, MSN tăng 1,91%, SABtăng 4,07%, VHC tăng 2,22%, DPM tăng 2,43%, HSG tăng 2,91%; GVR, DGC cùng đứng giá tham chiếu; VNM giảm 1,27%, HPG giảm 0,59%, DCM giảm 1,34%, SBT giảm 1,06%.
Cổ phiếu hàng không cũng phân hóa khi VJC tăng 1,53% còn HVN giảm 1,4%. Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng diễn biến khá ảm đạm khi mức độ dao động của GAS, POW, PGV và PLX đều chưa tới 1%.
Ở nhóm bán lẻ, MWG phục hồi mạnh phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 5,27%; FRT cũng tăng 3,45% trong khi PNJ và DGW cùng đứng giá tham chiếu.
Toàn sàn HoSE có 253 mã tăng giá, 63 mã đứng giá tham chiếu và 280 mã giảm giá.
Phiên chững lại đà tăng và nhiều mã quay đầu giảm hôm nay không có gì bất ngờ. Ngoài yếu tố tái cơ cấu ETF, giao dịch ngắn hạn xuất hiện của các nhà đầu tư chuộng giải pháp an toàn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899