Chứng khoán lao dốc, lòng tham nổi lên

08/04/2020, 11:58

TCDN - Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm trên 30% chỉ từ sau Tết do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 lan rộng toàn thế giới. Tuy nhiên trong bức tranh xám xịt của thị trường, điểm sáng nổi lên là sức hút đối với các nhà đầu tư mới.

Nguyên nhân lao dốc của chứng khoán toàn cầu không đến từ những yếu tố căn bản của thị trường hay nền kinh tế. Cho đến tháng 1/2020, một số thị trường chứng khoán như Mỹ vẫn còn đạt đỉnh cao lịch sử. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, doanh nghiệp làm ăn có lãi, lạm phát thấp. Yếu tố ảnh hưởng duy nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì đã phần nào được giải quyết bằng thỏa thuận giai đoạn 1 hồi cuối 2019.

Sự kiện bất ngờ bắt đầu khiến thị trường chứng khoán chú ý là dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Thực ra dịch bệnh đã có từ tháng 1 nhưng chỉ bó hẹp ở một địa phương, không mấy nhà đầu tư nghĩ rằng nó sẽ lan ra toàn cầu. Do đó các thị trường chứng khoán ngoài Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Chỉ đến khi Vũ Hán bị phong tỏa, hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây dừng lại, giới đầu tư mới bắt đầu lo lắng về sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu. Đến khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở rất nhiều quốc gia khác, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, thị trường tài chính thế giới mới hốt hoảng phản ứng. Các thị trường đồng loạt sụt giảm cực mạnh 25-30% và rơi vào thị trường con gấu (bear-market).

vnindex

Chỉ số VN-Index đã sụt giảm mạnh kể từ cuối tháng 1/2020.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, phản ứng cũng chỉ thực sự mạnh từ đầu tháng 3 khi nguy cơ gia tăng lây nhiễm rõ ràng hơn vì dịch bệnh lúc này không chỉ bó hẹp ở Trung Quốc nữa. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Hàng loạt cổ phiếu quan trọng sụt giảm chóng mặt, thậm chí chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Có thể kể tới BID giảm 44%, CTG giảm 38%, FPT giảm 29%, GAS giảm 45%, HPG giảm 38%, SAB giảm 49%, VCB giảm 39%, VIC giảm 38%, VNM giảm 31%...

Sự suy giảm của thị trường chứng khoán không ầm ĩ và không từ nguyên nhân “phát nổ” nào mà từ sự sợ hãi dịch bệnh và đóng băng nền kinh tế. Tuy nhiên đây lại chính là cơ hội mà nhiều nhà đầu tư nhìn thấy. Liệu sự sợ hãi có quá mức hay không khi năng lực y tế của thế giới đã phát triển rất nhiều? Điều gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh được kiểm soát chứ không kéo dài cả năm? Khi đó tâm lý sẽ đảo ngược cực mạnh trên thị trường chứng khoán.

Đối với các nhà đầu tư đã tham gia thị trường, mức thua lỗ trong quý 1/2020 là rất lớn và chắc chắn nguồn tiền sứt mẻ đáng kể. Sự thận trọng là điều có thể hiểu được, thậm chí là “lực bất tòng tâm” vì tiền còn lại quá ít. Trái lại, nguồn tiền bên ngoài lại tươi mới và nguyên vẹn.

Trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng, đây là cơ hội hiếm có trong cả thập kỷ, vì hầu hết mọi người đã quên biến động thị trường hồi 2008. Mức sụt giảm tới 30-40% ở một loại tài sản nào đó là rất hiếm. Nếu nguồn lực từ các nhà đầu tư tiềm năng này chảy vào thị trường chứng khoán, đó sẽ là sự “tiếp máu” kịp thời khi nguồn lực sẵn có bị suy giảm nghiêm trọng sau cú sốc vừa qua.

Rất khó để ước đoán quy mô của dòng tiền nhàn rỗi bên ngoài lớn đến đâu. Tuy vậy một thống kê từ Trung tâm lưu ký chứng khoán đã cho thấy sự thay đổi bất ngờ: Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong hai tháng đầu năm đã tăng đột biến.

Riêng trong tháng 3/2020, tổng số tài khoản mở mới là 32.140 tài khoản, mức cao kỷ lục kể từ tháng 3/2018 (40.651 tài khoản). Trong cả năm 2019, trung bình mỗi tháng số tài khoản mở mới chỉ là 15.196 tài khoản. Như vậy trong tháng 3/2020 tốc độ mở tài khoản đã gấp đôi năm ngoái.

Về cơ cấu tài khoản, đã có bức tranh trái ngược rõ nét giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 3, nhà đầu tư trong nước mở mới 31.949 tài khoản, với 31.832 tài khoản là cá nhân. Chỉ có 191 tài khoản mới là của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019 bình quân mỗi tháng nhà đầu tư nước ngoài mở mới 289 tài khoản.

Số TK

Số lượng tài khoản mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam theo tháng (Nguồn VSD)

Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mức độ tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước lại tăng mức độ quan tâm. Điều này cũng phù hợp với diễn biến trên thị trường: Nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn rất mạnh khỏi thị trường Việt Nam. Từ đầu tháng 2/2020 đến đầu tháng 4/2020, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đã vượt 13.400 tỷ đồng. Mặc dù cơ cấu các nhà đầu tư nước ngoài là đa dạng nhưng tổng thể nhu cầu thoái vốn lớn hơn thì mức độ quan tâm cũng giảm xuống.

Sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước cho thấy mức độ sụt giảm lớn của thị trường chứng khoán đã đánh động đến lòng tham. Nếu nhà đầu tư tiềm năng cảm thấy giá cổ phiếu hấp dẫn thì rất có thể nhà đầu tư đang trong thị trường cũng cảm thấy như vậy. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn, nhưng mức độ đã không còn gây sốc như giai đoạn đầu. Thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng, nên nếu có bất kỳ tia hi vọng hay dấu hiệu cải thiện nào phía trước, nhà đầu tư sẽ không bỏ lỡ.

Nguyên Hà
Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán lao dốc, lòng tham nổi lên tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan