Chuyển đổi số trong hoạt động marketing dịch vụ y tế

23/10/2024, 14:29
báo nói -

TCDN - Bài viết tóm tắt các xu hướng chuyển đổi số và thực trạng ứng dụng vào hoạt động marketing và một số khó khăn của các cơ sở y tế hiện nay.

6-1

TÓM TẮT:

Thông qua hoạt động marketing dịch vụ y tế, khách hàng sẽ có nhiều lợi ích như giá cạnh tranh, chất lượng luôn cải tiến và nhất là biết được những sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe nào phù hợp. Vì vậy các cơ sở y tế luôn phải thường xuyên vận động không ngừng trong hoạt động marketing. Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, mỗi khách hàng luôn mong muốn được cung cấp các thông tin về sức khỏe để chủ động trong việc lựa chọn khám, điều trị và được tôn trọng, đòi hỏi cơ sở y tế cần quan tâm các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình triển khai và thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Chuyển đổi số không chỉ giúp phát triển chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành còn giúp các hoạt động của bệnh viện vận hành nhanh chóng, minh bạch hơn, người bệnh và nhân viên y tế đỡ vất vả hơn. Do đó, các cơ sở y tế của Việt Nam cần quyết liệt với chuyển đổi số, đây chính là yếu tố tiên quyết giúp cơ sở y tế tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Bài viết tóm tắt các xu hướng chuyển đổi số và thực trạng ứng dụng vào hoạt động marketing và một số khó khăn của các cơ sở y tế hiện nay.

1. Các xu hướng chuyển đổi số dịch vụ y tế

Cũng như hầu hết các lĩnh vực khác, lĩnh vực dịch vụ y tế cũng chịu tác động không hề nhỏ của quá trình chuyển đổi số, đó là quy luật chuyển đổi bắt buộc của xu thế, nếu các hoạt động của lĩnh vực dịch vụ y tế không thích ứng sẽ giảm sức cạnh tranh, và không kịp đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trong số các công nghệ đang phát triển nhanh chóng trên thị trường lĩnh vực dịch vụ y tế có thể ứng dụng một số các xu thế sau:

1.1. Các ứng dụng (App) trên các thiết bị di động (mobile)

Với số lượng người dùng các thiết bị di động, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến như hiện nay, thì việc tiếp cận với bệnh nhân, khách hàng rất dễ dàng thông qua các ứng dụng. Bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe có tạo ra các ứng dụng trên di động để tương tác với khách hàng và bệnh nhân. Khách hàng và bệnh nhân có thể dễ dàng đặt lịch khám, chọn bác sĩ, tham quan trước bệnh viện, hướng dẫn các bước khám chữa bệnh hoặc nhận được các thông báo trực tiếp từ bệnh viện. Đây cũng là xu thế chính mà các bệnh viện phát triển hiện nay và tương lai, với các tương tác thông qua ứng dụng khách hàng sẽ có được nhiều thông tin hơn và bệnh viện tối ưu được các nguồn lực về con người, tài chính.

1.2. Trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots

Trí tuệ nhân tạo, máy học đã khẳng định được vị trí quan trọng của nó trong các xu hướng của thị trường kỹ thuật số, bao gồm cả lĩnh vực y khoa. Chatbots là chương trình được tạo từ máy tính, một công cụ cho phép con người có thể tương tác giao tiếp, thông qua một trí tuệ nhân tạo đã được lập trình sẵn. Chatbot được chia thành 2 loại theo cách mà chúng tương tác với con người là audiotory (âm thanh) và textual (chữ) và ngày càng phổ biến trên trang các ứng dụng và website của các bệnh viện. Ưu điểm của một Chatbot là có khả năng làm việc liên tục và sẵn sàng trả lời nhiều loại yêu cầu khác nhau như xử lý một yêu cầu đặt lịch khám, thông báo lịch khám định kỳ, tái khám, cho biết vị trí của các phòng bệnh... của người dùng ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào và sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe gia tăng các dịch vụ mới như AI và học máy, các bệnh viện công/bệnh viện, phòng khám tư có sẵn cơ sở dữ liệu của bệnh nhân nên có thể cá nhân hoá cho khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh.

1.3. Kết nối internet vạn vật (IoT)

Ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối với IoT, các bệnh viện, cơ sở y tế có thể phát triển dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Báo cáo Nghiên cứu thị trường Y tế số Việt Nam khẳng định, Covid-19 khiến bệnh nhân ở Việt Nam đang có chiều hướng chọn những sản phẩm và dịch vụ y tế thuận tiện, gần nhà hơn và trực tuyến từ xa. Trong khoảng thời gian đại dịch, tới 39% số người được hỏi trả lời rằng họ sẽ chuyển sang sử dụng những cơ sở y tế hoặc gần nhà hơn, hoặc có dịch vụ khám trực tuyến. Dữ liệu IoT giúp bệnh viện biết được nhu cầu, thói quen khám chữa bệnh và một số đặc điểm khác để có thể chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm. Việc khai thác các dữ liệu IoT giúp bệnh viện vừa biết rõ khách hàng hơn, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thực hiện các thao tác để chọn gói khám chữa bệnh mà họ mong muốn.

1.4. Rating và review

Việc khách hàng và bệnh nhân có thể chia sẻ các ý kiến của họ một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội như Facebook, hay các website trực tiếp của bệnh viện, hoặc các website cộng đồng y khoa giúp các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện cung cấp dịch vụ hiểu rõ hơn mong muốn của khách hàng. Công cụ kỹ thuật này thúc đẩy các bệnh viện quan tâm hơn đến chất lượng để tạo sự hài lòng của bệnh nhân và khách hàng, đồng thời gây dựng uy tín thông qua điểm đánh giá của khách hàng. Ngoài ra đây cũng là kênh tham khảo, giúp khách hàng, bệnh nhân cảm thấy yên tâm khi chọn lựa các dịch vụ của bệnh viện.

1.5. Thực tế ảo (Virtual Reality)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ dựa trên nền tảng internet, thuật ngữ thực tế ảo đã giúp cho các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe có thể đem đến cho khách hàng và bệnh nhân có thể trải nghiệm trước các dịch vụ khám chữa bệnh mà cơ sở y tế có thể cung cấp. Điều đó sẽ giúp bệnh nhân và khách hàng hiểu rõ hơn về các dịch vụ của bệnh viện, dễ dàng ra quyết định. Đồng thời, thực tế ảo có thể giúp các bác sĩ có thể thực hành các ca mổ giả lập trên nền tảng ảo.

2. Chuyển đổi số trong lĩnh vực marketing dịch vụ y tế

Trong thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển của hoạt động y khoa, hoạt động marketing của bệnh viện và các cơ sở y tế ở Việt Nam được chú trọng đầu tư, đặc biệt khi có hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ. Hoạt động marketing của bệnh viện chuyển đổi nhanh chóng do kết hợp đồng thời sự thay đổi trong phương thức makerting và ứng dụng các kỹ thuật số.

Sự phổ biến của internet đã thay đổi dần cách chúng ta tương tác với thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ. Các hình thức tiếp thị truyền thống như TVC (Television Commercials), poster, quảng cáo báo, panô quảng cáo (billboards), thư tín... đã dần mất đi tính hiệu quả. Các hình thức tiếp thị mới được hình thành qua việc mang đến nhiều giá trị hơn qua việc tương tác với khách hàng nhanh chóng và nắm bắt được thị hiếu của họ dễ dàng hơn.

2.1. E-marketing

Khái niệm E-marketing ra đời, dùng để chỉ việc áp dụng các nguyên tắc tiếp thị và kỹ thuật marketing truyền thống thông qua phương tiện như internet, phương tiện truyền thông điện tử, để bán sản phẩm hoặc một dịch vụ. Thuật ngữ E-marketing còn được dùng để chỉ Internet marketing (i-marketing), online marketing hay web - marketing.

Digital marketing (Tiếp thị sử dụng các phương thức kỹ thuật số) là hình thức marketing tích hợp hệ thống kỹ thuật số như là một kênh để làm marketing, giúp thương hiệu tiếp cận nhiều kênh truyền thông để đến đúng với người tiêu dùng (Website, Blog, Web 2.0, dịch vụ cung cấp thông tin đơn giản (Really Simple Syndication - RSS), dịch vụ tin nhắn (Short Messgae Services - SMS...). Các phương tiện kỹ thuật số đem lại giá trị bổ sung cho các phương thức makerting truyền thống, và hoàn toàn không phụ thuộc vào qui mô của doanh nghiệp.

Bệnh viện có thể chủ động xây dựng cho mình cách tiếp thị đa kênh (omni channel) (Philip Kotler, 2017) dựa vào nền tảng số digital marketing, khách hàng, bệnh nhân sẽ trải nghiệm online các dịch vụ mà họ mong muốn sau đó họ sẽ quyết định đi đến trực tiếp tại bệnh viện.

Khách hàng càng ngày càng trở nên di động và không phân biệt kênh tiếp xúc. Họ liên tục di chuyển từ kênh này qua kênh khác - từ trực tuyến đến ngoại tuyến và ngược lại - đòi hỏi một trải nghiệm liền mạch và nhất quán, không có sự ngắt quãng đáng kể. Các kênh tiếp thị truyền thống không phải lúc nào cũng được tổ chức để cho phép một sự chuyển tiếp trơn tru giữa các kênh.

Cách tiếp cận về kênh tiếp thị của bệnh viện nên thay đổi và đáp ứng được thực tiễn mới này. Trong kỷ nguyên số, hành trình khách hàng không phải luôn là đường thẳng và thậm chí đôi khi là đường xoắn ốc. Hơn nữa có rất nhiều những tổ hợp điểm tiếp xúc mà khách hàng có thể đi qua trên hành trình dẫn đến quyết định mua của khách hàng. Marketing bệnh viện cần dẫn dắt khách trên mọi bước đường xuyên qua các kênh ngoại tuyến và trực tuyến của mình, và chuẩn bị sẵn sàng với quyết định mua của khách hàng ở bất kỳ đâu trên hành trình.

2.2. Từ Outbound Makerting đến Inbound Makerting

Outbound Marketing, hay “Tiếp thị truyền thống”, là phương thức tiếp thị nhằm đẩy sản phẩm hay dịch vụ đến với người tiêu dùng. Người làm tiếp thị (makerters) tập trung vào việc giới thiệu sản phẩm, làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, thông điệp truyền đến mọi khách hàng là như nhau.

Tên gọi “tiếp thị truyền thống” dễ làm ngộ nhận đó là các phương thức tiếp thị cũ như qua các ấn phẩm truyền thống (brochure, tờ rơi...), video quảng cáo, panô quảng cáo, thư tín, điện thoại... Thực tế, Outbound Marketing đang ngày càng được chuyển đổi sang công cụ kỹ thuật số. Ví dụ, thay vì gửi thư giới thiệu sản phẩm qua bưu điện người bán hàng sẽ chuyển sang dùng email, các video quảng cáo được đưa lên mạng xã hội... Dù hình thức có khác nhưng phương thức tiếp thị này vẫn nhằm giới thiệu sản phẩm tới mọi khách hàng một cách giống nhau.

Inbound Marketing, hay “Tiếp thị mới”, là phương thức tiếp thị với mục tiêu tạo sự quan tâm, thích thú của khách hàng tiềm năng thay vì trực tiếp thúc đẩy họ mua hàng.

Phương thức tiếp thị này nhắm tới giới thiệu thông tin hấp dẫn cho từng nhóm khách hàng phù hợp, vào thời điểm phù hợp nhất. Khách hàng sẽ tiếp cận với các thông tin được cung cấp, tự chọn lựa và qua đó tiếp xúc với bệnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ khi sử dụng mạng xã hội hoặc các công cụ tìm kiếm. Chuyển đổi số tạo điều kiện cho Inbound Makerting tận dụng hết lợi thế của phương thức tiếp thị này.

Các bệnh viện đã có sẵn dữ liệu từ khách hàng, các thông tin liên quan đến hồ sơ bệnh lý của khách hàng, từ đó rất dễ triển khai hình thức Inbound Marketing một cách tự động bằng cách gửi các thông tin liên quan đến bệnh lý khách hàng quan tâm, và các dịch vụ đi kèm. Từ đó sẽ khơi gợi cho khách hàng chọn lựa những dịch vụ phù hợp, với những thông tin tư vấn có sẵn từ trước.

Với cách tiếp cận mới thì bệnh nhân và khách hàng sẽ cảm nhận không bị làm phiền vì bị spam hoặc nhận những thông tin không liên quan, đồng thời họ sẽ cảm nhận là nhận được những thông tin thật sự bổ ích nhưng chi phí thật thấp, thay vì đi đến trực tiếp bệnh viện để hỏi.

3. Một số xu hướng digital marketing của Việt Nam

Marketing dịch vụ y tế là một hình thức quảng cáo, marketing trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế. Trong đó các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ làm tất cả những hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá những hoạt động, dịch vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe đến khách hàng để mọi người biết đến rộng rãi và lựa chọn sản phẩm dịch vụ của mình. Đồng thời, duy trì sự quan tâm của khách hàng đến bệnh viện hay dịch vụ được tiếp thị; nỗ lực làm thỏa mãn khách hàng và từ đó đạt được lợi ích kinh doanh. Hoạt động marketing tại bệnh viện cũng mang nét đặc trưng của 7P trong marketing dịch vụ. Điều quan trọng trong marketing dịch vụ bệnh viện có thể xem là làm sao cung cấp những dịch vụ cần thiết, thông tin kịp thời, đáp ứng kịp thời các nhu cầu và đúng đối tượng để khách hàng hiểu rõ hơn các thế mạnh của bệnh viện đồng thời đa dạng các dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.

Mạng xã hội: Sự bùng nổ của mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo…), đặc biệt là Facebook, đã khiến cho các hoạt động tiếp thị dồn rất nhiều nguồn lực để đầu tư vào các kênh mạng xã hội. Hiện nay Việt Nam đã có hơn 69 triệu người dùng Facebook, chiếm 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới về số lượng tài khoản. Do đó việc đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc cho kênh Facebook của bệnh viện là điều hết sức cần thiết và quan trọng.

Video: Trên thế giới người ta nói đến và triển khai kỷ nguyên video từ rất lâu. Số lượt tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ trên YouTube nhiều gấp 3 trên Google (Mai Xuân Đạt, 2019). Thế giới đã thay đổi thích nghi với kỷ nguyên này nhưng Việt Nam thì chưa dịch chuyển. Cùng một chủ đề, các video quảng cáo bằng tiếng Anh (là ngôn ngữ phổ biến nhất) thường rất chỉnh chu, đẹp và hữu ích. Trong khi đó các video bằng tiếng Việt nội dung khá đơn điệu, thông điệp không rõ ràng và vì vậy chưa thu hút người xem. Có thể xem đây là một kênh tiếp thị còn bỏ ngõ và cần được đầu tư nghiêm túc, bài bản hơn. Nói đến Video không thể không nói đến TikTok, thế hệ trẻ hiện nay đã dành sự quan tâm đặc biệt đến TikTok thay vì dành cho Youtube và Facebook như trước, vì vậy các chiến lược makerting trong thời gian tới cần hướng tới thế hệ Z và những thay đổi sở thích của khách hàng tương lai.

Thiết bị di động thông minh (Smart mobile): Với số lượng người sử dụng ngày càng gia tăng 43,7 triệu người Việt Nam chiếm gần 1/2 dân số, khả năng tiếp cận khách hàng và bệnh nhân của bệnh viện trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khách hàng và bệnh nhân sẽ được trải nghiệm những dịch vụ tốt của bệnh viện thông qua việc phát triển các ứng dụng trên các thiết bị di động, các ứng dụng này sẽ giúp cho bệnh nhân tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác.

Thực tế ảo (Virtual Reality): chúng ta có thể thấy ứng dụng này rất nhiều trên quảng cáo, trong các chương trình tham quan của nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam đây vẫn còn là một ứng dụng chưa được khai thác nhiều trong bệnh viện, y khoa. Thông qua, thực tế ảo, các bệnh viện cho khách hàng có nhiều trải nghiệm hơn đối với bệnh viện và các dịch vụ mà bệnh viện cung cấp.

4. Thực trạng ứng dụng Digital marketing dịch vụ y tế

Với sự gia tăng của công nghệ và internet, các doanh nghiệp đang dần chuyển hướng từ các phương tiện truyền thông truyền thống sang các kênh truyền thông số. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các chuyên gia marketing. Tất cả các ngành kinh tế - kỹ thuật - thương mại khác đều phải học cách thay đổi để thích ứng với thời đại, tạo nên lợi thế cạnh tranh và tránh bị tụt lại phía sau. Digital marketing đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong khối ngành y tế nói chung để giúp các doanh nghiệp hay các tổ chức y tế tăng cường hiệu quả quảng bá, thu hút khách hàng và tăng doanh thu.

Với mục đích tiếp cận khách hàng, từ đó quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, Digital marketing bao gồm nhiều phương pháp ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization - SEO), các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, email marketing, marketingnội dung và lưu trữ đám mây.

Các công cụ Digital marketing còn được ứng dụng để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tạo ra lưu lượng truy cập trang web và tăng tương tác với khách hàng. Hiện nay Digital marketing đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng hơn trong việc tiếp cận khách hàng và tăng trưởng doanh nghiệp. Đối với ngành dược, Digital marketing từ khi xuất hiện và phát triển đã và đang dần thay thế các chiến lược tiếp thị truyền thống, điều này đòi hỏi sự thay đổi đến từ các doanh nghiệp, công ty nhằm nhanh chóng thích ứng, bắt kịp với những phát triển của thời đại công nghệ số.

Tuy nhiên, trong ngành chăm sóc sức khỏe có thể tận dụng được tiềm năng phát triển hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Hiện nay, digital marketing trong lĩnh vực này được cho là phát triển chậm hơn nếu so với các ngành khác, điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các chuyên gia trong ngành.

Song song với những cơ hội, thì việc sử dụng digital marketing cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe. Đó là:

Kỹ thuật công nghệ và xu hướng thị trường thay đổi liên tục: Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải tìm cách để nổi bật và thu hút được sự chú ý của khách hàng. Để làm được điều này, các chuyên gia marketing trong ngành chăm sóc sức khỏe cần phải có kiến thức sâu và rộng về các công cụ và kênh truyền thông số, đồng thời cũng cần phải có khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch marketing của mình. Khách hàng sẽ ngày càng trở nên khó tính, đòi hỏi các doanh nghiệp dược cần phải liên tục cập nhật xu hướng thị trường.

Tiêu chuẩn kiểm duyệt cao hơn đối với quảng cáo dược phẩm, chăm sóc sức khỏe: Ở nước ta, hầu hết quảng cáo dược phẩm thường bị hạn chế và tất cả các tài liệu quảng cáo phải được đăng ký thông qua Bộ Y tế. Để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả trên các nền tảng số, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo tính chính xác và an toàn của thông tin liên quan đến sức khỏe của người dùng.

Khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe thấp ở những người ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa: Ở Việt Nam, dân số ở nông thôn cao, chỉ 33,6% sống ở thành thị. Bệnh nhân ở đây tiếp cận chăm sóc y tế gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, có sự khoảng cách về mức sống giữa các vùng nông thôn và thành thị cũng ảnh hưởng đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng như vấn đề cơ sở hạ tầng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế là không hề nhỏ tại địa phương ở vùng sâu, vùng xa.

Thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn thiếu hụt và ẩn chứa nhiều nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin. Việc bảo vệ thông tin khách hàng cũng là một trong những thách thức lớn của digital marketing. Với sự phát triển của internet, các vấn đề về an ninh mạng và việc xâm nhập vào thông tin cá nhân của khách hàng đang trở thành một thách thức đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Như vậy, Digital marketing là một công cụ rất hữu ích trong ngành chăm sóc sức khỏe, nhiều lợi ích nổi bật được nhắc đến bên cạnh sự hiệu quả trong việc tiếp cận và chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội của Digital marketing, các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe cần phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải có kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển các chiến dịch marketing hiệu quả trên các kênh truyền thông số.

5. Một số giải pháp

Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số ngành y tế nói chung, hoạt động marketing nói riêng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, lãnh đạo ngành, cũng như các sở y tế cùng các cơ sở y tế địa phương cần tuyên truyền và quán triệt cho đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên y tế về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi số mang lại cho ngành y tế. Lãnh đạo ngành và các cơ sở y tế cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy phát triển công nghệ sáng tạo trong ngành; liên kết, hợp tác chuyển đổi số với các cơ quan nhà nước, với các hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin và hiệp hội ngành y tế.

Thứ hai, phát triển nền tảng số trong ngành y tế. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Thông qua nền tảng số trong ngành y tế, hệ thống thông tin số trong ngành được xây dựng hoàn chỉnh hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, bệnh viện và người bệnh nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của ngành y tế. Lãnh đạo ngành yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới hiện nay, chủ động áp dụng công nghệ số hóa trong hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của ngành; giao dịch, quản lý dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, ngành y tế cần thường xuyên mở các lớp tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý bệnh viện, đơn vị y tế ở các địa phương nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, Ngành cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số để truyền đạt những thông tin cần thiết cho người dân, tiếp nhận nhanh chóng các phản hồi từ người bệnh; hỗ trợ người dân tìm những cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa có uy tín, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế an toàn và cập nhật những thông tin hoạt động của ngành một cách kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trương Văn Đạt (2023), Chuyển đổi số và câu chuyện của Digital marketing trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, https://kinhtevadubao.vn/chuyen-doi-so-va-cau-chuyen-cua-digital-marketing-trong-linh-vuc-cham-soc-suc-khoe-26153.html

2. Hồ Hải Trường Giang (2024), Chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động marketing của bệnh viện: Trường hợp tại bệnh viện An Bình, Tạp chí Khoa học phát triển nhân lực, https://vjol.info.vn.

3. Nguyễn Anh Hiệp (2022), Marketing bệnh viện thực hành, Nxb Thế giới.

ThS. Phạm Thái Hưng - ThS. Lê Phúc Hải

Công ty Cổ phần Công nghệ Y tế An Minh

Tạp chí in số tháng 10/2024
Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong hoạt động marketing dịch vụ y tế tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899