Chuyên gia thương hiệu Ann Dan: Doanh nghiệp ngành làm đẹp thiếu tầm nhìn về xây dựng thương hiệu

08/01/2021, 15:19

TCDN - Chuyên gia thương hiệu Đặng Hoài Anh (Ann Dan) cho biết, ngành làm đẹp hiện đang phát triển như “vũ bão” thế nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện còn thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường tiềm năng.

Chuyên gia thương hiệu Ann Dan.

Chuyên gia thương hiệu Ann Dan.

Dịch Covid-19 “thanh lọc” thị trường làm đẹp

Xin bà cho biết thực trạng ngành làm đẹp hiện nay?

Theo khảo sát về ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp toàn cầu do Viện Nghiên cứu Global Wellness Institute thực hiện, thị trường làm đẹp trị giá 4,5 ngàn tỷ USD. Hơn 48.000 cơ sở spa toàn châu Á đang chia sẻ doanh số 26,5 tỷ USD, trong đó có Việt Nam. Làm đẹp cũng là một trong 5 xu hướng tiêu dùng năm 2020 tại Việt Nam, ngoài sức khỏe, kinh tế xanh...

Chính vì vậy, hiện nay số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp tương đối lớn. Doanh nghiệp được chia làm 3 phân khúc: tầm cao là những doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, có thương hiệu; doanh nghiệp tầm trung với mức đầu tư vừa phải; những cơ sở nhỏ như gội đầu, làm nail, chăm sóc da…

Tuy nhiên, qua 2 đợt ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, thị trường làm đẹp đã có sự đào thải khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng phải đóng cửa vì không có nguồn kinh phí dự trù, cũng như không tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khách hàng, dẫn đến khi mở cửa trở lại rơi vào tình trạng “đóng băng", không có khách.

Theo bà, nguyên nhân vì sao nhiều Spa, thẩm mỹ phải đóng cửa trong thời gian ngắn?

Covid-19 chỉ là một giọt nước cuối cùng “thanh lọc" thị trường. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở nội tại của ngành!

Hiện nay Spa, thẩm mỹ chủ yếu gồm 2 dạng. Đầu tiên, chiếm đa số là những người học nghề, làm nghề lâu năm mở Spa. Những người này có kiến thức chuyên môn tốt, tuy nhiên những người đó lại không hiểu về nhu cầu khách hàng, kiến thức makerting thương hiệu để thu hút khách hàng. Họ cũng thiếu các kỹ năng quản lý tài chính - đầu tư vào cái gì, không nên đầu tư cái gì; kỹ năng quản trị nhân sự để giữ nhân viên đồng lòng, đoàn kết vì mục đích chung là khách hàng không rời bỏ.

Chuyên gia thương hiệu Ann Dan: Doanh nghiệp ngành làm đẹp thiếu tầm nhìn về xây dựng thương hiệu.

Chuyên gia thương hiệu Ann Dan: Doanh nghiệp ngành làm đẹp thiếu tầm nhìn về xây dựng thương hiệu.

Dạng thứ hai là những người ngoài ngành, có tài chính tốt. Họ nhìn thấy thị trường làm đẹp đầy triển vọng nên “nhảy vào". Họ đầu tư cơ sở to, đẹp với nhiều máy móc hiện đại. Tuy nhiên, vì không am hiểu về nghề dẫn đến tình trạng sử dụng mỹ phẩm không đạt chuẩn, ảnh hưởng tới khách hàng. Họ chi nhiều tiền cho quảng cáo để kéo khách hàng đến. Sau đó, vì mục tiêu kéo lại chi phí, sẽ có nhiều tiểu xảo được áp dụng. Nhiều khách hàng trải nghiệm dịch vụ của họ rồi thất vọng và truyền tai nhau, dẫn đến việc khách hàng mất niềm tin rồi rời bỏ.

Covid là cuộc “thanh trừng” lớn của ngành. Thế nhưng, cuộc “thanh trừng" ấy lại là cơ hội bứt phá cho những cơ sở làm bài bản và tận tâm. Một số học viên của tôi phát triển rất tốt sau đợt dịch.

Cần có chiến lược xây dựng thương hiệu

Xã hội càng phát triển, nhu cầu làm đẹp càng tăng, Covid 19 chỉ như 1 khoảng lặng của ngành. Theo bà, để đầu tư có hiệu quả lĩnh vực này, nhà đầu tư nên quan tâm đến vấn đề gì?

Nhiều người khi kinh doanh nghĩ rằng chỉ cần chạy quảng cáo là có thể ra khách. Tuy nhiên, quảng cáo chỉ là một phần rất nhỏ của marketing. Thực tế, mỗi doanh nghiệp phải có môt chiến lược: có mục đích, định hướng con đường đi, có KPI để đó lường hiệu quả. Nếu chỉ trông chờ vào quảng cáo sẽ rơi vào tình trạng chạy vài trăm triệu/tháng mà vẫn không có khách như mong muốn.

Hiện nay, nhiều Spa, thẩm mỹ chỉ đưa ra các chương trình giảm giá đơn lẻ, khốc liệt để cạnh tranh. Nhưng, cạnh tranh bằng giá là con đường dẫn đến cái chết nhanh chóng nhất.

Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài.

Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài.

Thực tế, bạn chỉ có thể sống tốt, sống khỏe khi bạn tập trung xây dựng một thương hiệu được nhiều khách hàng yêu mến. Bạn phải “tỏa sáng" để thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng hiện có. Mà xây dựng thương hiệu không chỉ 1-2 ngày, một vài chiến dịch mà thành, đó là một quá trình dài, chia làm các giai đoạn khác nhau, song lại là lợi thế cạnh tranh lâu bền giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.

Năm 2020, tôi đã tạo ra mô hình Ann Dan Marketing để định vị thương hiệu cho dịch vụ, từ đó lan tỏa sức ảnh hưởng của thương hiệu doanh nghiệp. Mô hình đó sẽ chia thành 4 giai đoạn cụ thể. Ví dụ: Giáo dục thị trường như thế nào; Chương trình khuyến mại, giảm giá… sẽ nằm ở giai đoạn nào, phục vụ mục tiêu gì...

Theo như bà nói muốn phát triển bền vững cần phải đầu tư bài bản và có thể phải lỗ chủ động. Như vậy liệu thị trường làm đẹp có còn là mảnh đất màu mỡ với những nhà đầu tư?

Lỗ chủ động không có nghĩa là lỗ mãi. Lỗ chủ động ở đây là chúng ta có nguồn kinh phí riêng dành cho marketing và thương hiệu để lan tỏa sức ảnh hưởng, hay như bản chất của thương hiệu là tạo được thiện cảm cho khách hàng để rồi họ trung thành và truyền bá cho thương hiệu. Giống như tình yêu vậy, khi người ta yêu bạn, người ta tin bạn vô điều kiện. Xã hội phát triển thì làm đẹp bỗng dưng trở thành một nhu cầu thiết yếu. Khi nhu cầu của thị trường tăng, những cơ sở kém chất lượng được loại bỏ thì đó là mảnh đất màu mỡ cho những doanh nghiệp kinh doanh bằng sự tử tế!

Xin cảm ơn bà!

Thanh Phương (thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia thương hiệu Ann Dan: Doanh nghiệp ngành làm đẹp thiếu tầm nhìn về xây dựng thương hiệu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thẩm mỹ Mai Phương lập lờ, phủ nhận trách nhiệm
Trong khi các cơ quan chức năng đang vào cuộc thanh, kiểm tra toàn bộ hoạt động tại cơ sở Thẩm mỹ Mai Phương tại số 267H Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức thì người đứng đầu cơ sở này lại chối bỏ trách nhiệm, cho rằng không hề quảng cáo và tư vấn các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn.