Chuyển nhượng đất nền trái phép, chậm làm sổ đỏ: Phạt 1 tỷ đồng vẫn nhẹ

31/01/2020, 08:20

TCDN - Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng là chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng.

Trong văn bản mới nhất gửi UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, HoREA cho rằng mức phạt trên vẫn còn "nhẹ". Mức phạt chưa đủ sức để chấn chỉnh các hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ và cần các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Việc xử phạt trên nằm tronng Nghị định 91/2019/NĐ-CP “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, có hiệu lực từ ngày 5-1-2020.

a

Theo nghị định, bên cạnh các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, còn quy định 17 biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; hoàn thành việc đầu tư xây dựng; buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản...

HoREA cho rằng, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục để cấp “sổ đỏ” cho khách hàng và cần các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng quy định xử phạt hành chính đối với hành vi chiếm đất tại Khoản (2.d) Điều 3 và Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có các bất cập.

Ví dụ, như việc giải thích hành vi "chiếm đất" của nghị định (Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật) là chưa phù hợp với quy định tại khoản (1.b) Điều 169 và khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai 2013.

Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, liên quan đến quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất tại khu vực đô thị và biện pháp khắc phục hậu quả, trước đó, HoREA cũng chỉ ra rằng khoản 5 và Khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất tại khu vực đô thị và biện pháp khắc phục hậu quả cũng có các bất cập cần tháo gỡ.

Chẳng hạn như, đối với dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận chủ đầu tư dự án, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, đã được cấp Giấy phép xây dựng (hoặc được miễn Giấy phép xây dựng), thì chủ đầu tư cần được phép khởi công xây dựng theo Điều 107 Luật Xây dựng.

Có thể hiểu là chủ đầu tư được “sử dụng đất trên thực địa” để khởi công xây dựng công trình của dự án, và chủ đầu tư chỉ được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai sau khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản…

Chưa kể, pháp luật đất đai không quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn thi công các công trình của dự án, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi bán nhà, công trình xây dựng, kể cả bán bất động sản hình thành trong tương lai.

“Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét, hướng dẫn thực hiện Khoản (2.d) Điều 3 và Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính đối với hành vi “chiếm đất” một cách có lý có tình và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án”, HoREA kiến nghị.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Chuyển nhượng đất nền trái phép, chậm làm sổ đỏ: Phạt 1 tỷ đồng vẫn nhẹ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chủ đầu tư 'nhờn luật', chậm cấp sổ
Mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng lên tới 1 tỷ đồng mới đây đã có hiệu lực, nhưng dường như tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Hà Nội, TP.HCM 'đội sổ' về giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và vốn TPCP 12 tháng năm 2019. Theo đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Điện Biên, Ninh Thuận, Đồng Nai… nằm trong danh sách địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 60%.