CIEM dự báo GDP Việt Nam có thể chỉ đạt 5,34%

10/07/2023, 09:31

TCDN - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 theo 3 kịch bản, tuy nhiên trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tăng trưởng GDP ở kịch bản thấp nhất chỉ đạt 5,34%/năm.

Sáng 10/7, với hỗ trợ từ Chính phủ Đức thông qua Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và CIEM phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”.

Bà Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau. Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, như xung đột Nga-Ucraina kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu phức tạp hơn,… Liên minh châu Âu đã bước đầu bảo đảm được an ninh năng lượng; giá dầu mỏ và khí tự nhiên giảm đáng kể; tình trạng chuỗi cung ứng đã cải thiện nhanh chóng, chỉ số căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) đã giảm xuống mức kỷ lục, thậm chí thấp hơn mức trước đại dịch.

IMG-5062

“Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận đó, một yêu cầu quan trọng là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, bà Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm, ông Nguyễn Anh Dương, trưởng ban Nghiên cứu kinh tế tổng hợp, CIEM cho biết, báo cáo xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023.

Theo đó, kịch bản 1 được xây dựng dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Trong kịch bản này, Việt Nam có nỗ lực giải ngân đầu tư công, song chỉ đạt tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2017-2022. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng chỉ tăng ở mức tương đối khiêm tốn.

Trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo chỉ đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43% so với năm 2022. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công bằng với mức cao nhất từng đạt được trong giai đoạn 2017- 2022 (82%). Đáng lưu ý, kịch bản này không có thay đổi đáng kể về cải thiện các quy định về môi trường kinh doanh, cải cách thể chế nhằm mở rộng không gian kinh tế và năng suất lao động.

Tại kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

"So với kịch bản 1, thì kịch bản 2 có kết quả tích cực hơn ở cả tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại. Tuy vậy, lạm phát (theo CPI bình quân) trong Kịch bản 2 cũng cao hơn một chút so với kịch bản 1. Như vậy, chỉ tập trung vào nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà không có các cải cách đủ kịp thời và căn bản đối với môi trường kinh doanh thì hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế có phần hạn chế và sẽ đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn”, ông Dương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dương, kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư của cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng hiệu quả hơn.

Kịch bản 3, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 chỉ giảm 2,17% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định, kịch bản 3 đòi hỏi một loạt các giả thiết, bao gồm cả việc bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, các cơ quan Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với việc cải cách mạnh mẽ và hiệu quả về môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động. Điểm quan trọng là sự cải thiện đáng kể đối với niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, ngay cả trong kịch bản này, tốc độ tăng trưởng cao cũng đi kèm với mức lạm phát (theo CPI bình quân) cao hơn, thặng dư thương mại nhỏ hơn. Dù vậy, mức lạm phát 4,39% trong kịch bản này cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra (4,5% cho năm 2023), dù cao hơn đáng kể so với kết quả lạm phát các năm trước.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết CIEM dự báo GDP Việt Nam có thể chỉ đạt 5,34% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

GDP tăng 3,72% trong 6 tháng
Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.