3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023 của kinh tế Việt Nam

19/04/2023, 06:45
báo nói -

TCDN - 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023 được Trường Đại học Thương mại đưa ra trong báo cáo thường niên công bố ngày 18/4/2022.

Ngày 18/4, trường Đại học Thương mại đã tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2022 với chủ đề “Cấu trúc kinh tế thế giới và Việt Nam”.

Đây là báo cáo nằm trong chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm và là báo cáo lần thứ 5 nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại lớn một năm qua, trong đó nhấn mạnh vào những vấn đề nổi bật trong năm và đề xuất các chính sách liên quan.

Lễ công bố báo cáo (Ảnh: trường Đại học Thương mại).

Lễ công bố báo cáo (Ảnh: trường Đại học Thương mại).

Về triển vọng năm 2023, Báo cáo cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực do tăng trưởng của của nhiều nền kinh tế ở gần “bờ vực suy thoái” khi nhiều quốc gia buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với hàng loạt vấn đề phát sinh khác như gián đoạn chuỗi cung ứng, đà tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất…

Trong nước, áp lực lạm phát đối với nền kinh tế vẫn rất lớn do độ trễ của gói phục hồi và dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát ở một số quốc gia chưa bền vững. Rủi ro với doanh nghiệp vẫn gia tăng trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài giảm, dòng tiền dần cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Ở kịch bản cơ sở, Báo cáo nhận định đây là kịch bản dễ xảy ra nhất với dự báo kinh tế thế giới triển vọng lạc quan, xung đột Nga – Ukraina hạ nhiệt và sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các tác thương mại lớn của Việt Nam gây ra ít ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 có thể đạt 6,56% và mức lạm phát bình quân của năm khoảng 3,35%.

Ở kịch bản cao, Báo cáo giả định kinh tế thế giới diễn biến tích cực hơn dự báo của các tổ chức quốc tế, từ đó, tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của kịch bản này có thể đạt 7,02% và lạm phát bình quân của năm khoảng 4,12%.

Ở kịch bản thấp, nhóm nghiên cứu dự báo tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6,12% do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; sự suy suy giảm mạnh của các nền kinh tế lớn cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp tục dai dẳng, gia tăng áp lực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Phân tích về bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023, báo cáo trên nhận định, mức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở gần "bờ vực suy thoái" mà nguyên nhân là chịu ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất, giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với việc các nền kinh tế lớn củathế giới gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng Thế giới dự báo GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1,7%. Tốc độ tăng trưởng chậm lại phần lớn xảy ra ở những nền kinh tế phát triển, trong đó, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5%. Tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Trung Á được dự báo chỉ ở mức 0,1%. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sự sụt giảm của kinh tế Nga trong cả 2 năm (2022, 2023). Nếu loại trừ 2 nền kinh tế này, tăng trưởng ở châu Âu và Trung Á dự báo sẽ tăng ở mức 2,1%. Kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 4,3%.

PV
Bạn đang đọc bài viết 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023 của kinh tế Việt Nam tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,5% năm 2022
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4%, thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.