Có thể đồng USD suy yếu tới cuối năm nhưng khó mất ngôi vương
TCDN - Ngay cả khi đồng USD suy yếu tới hết năm 2023, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá cao viễn cảnh nó vẫn duy trì vị thế độc tôn.
Liệu đồng USD có nguy cơ mất ngôi vương hay không? Theo tờ MarketWatch, câu trả lời có lẽ là chưa.
Đà tăng chóng mặt của USD vào năm ngoái đã khơi gợi đồn đoán rằng sự thống trị của đồng bạc xanh trong hoạt động thương mại và tài chính quốc tế đang dần đến điểm bước ngoặt.
Nỗ lực của Trung Quốc và các nước khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào USD càng thúc đẩy những đồn thổi. Giới chuyên gia ngày càng bàn luận nhiều hơn về xu hướng “phi USD hoá” và các nhà phân tích Phố Wall cũng tham gia. Họ dự đoán rằng trong giao dịch thương mại và dự trữ toàn cầu tương lai, đồng USD sẽ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đồng tiền đối thủ.
Giới chuyên gia cũng đưa ra nhận định về hướng đi của đồng bạc xanh trong những tháng tới và ảnh hưởng của đồng tiền kỹ thuật số mà các ngân hàng trung ương (NHTW) dự định tung ra, theo MarketWatch.
Giá USD vẫn quá cao
Đợt tăng mạnh của đồng USD vào năm 2022 đã khiến nhiều chiến lược gia ngoại hối ngạc nhiên, tương tự như khi đồng tiền này đảo chiều trong 6 tháng qua.
Sau khi đạt mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ vào cuối tháng 9 năm ngoái, chỉ số USD đã giảm hơn 10%, theo FactSet. Hôm 13/4, đồng bạc xanh đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm so với đồng euro.
Các nhà phân tích của ngân hàng Rabobank xác nhận USD là đồng tiền giao dịch kém nhất trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-10) trong tháng qua.
Đồng USD tăng mạnh vào năm ngoái một phần nhờ các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhờ việc nhà đầu tư cố gắng tìm kiếm các tài sản an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu đều bị bán tháo.
Bây giờ, Fed gần như đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất. Các NHTW khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và châu Âu.
Trao đổi qua điện thoại với MarketWatch, ông Marvin Loh, chiến lược gia toàn cầu tại State Street, nhận định các mô hình định giá của ngân hàng này cho thấy đồng bạc xanh vẫn còn quá đắt.
“Nếu Fed thực sự hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất, có thể đồng USD tiếp tục suy yếu cho đến cuối năm”, ông Loh nói.
Hiện tại, các nhà phân tích khác cảnh báo thách thức mới đối với vị thế của đồng USD là việc Quốc hội Mỹ bế tắc về vấn đề trần nợ công.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới, chẳng hạn như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nên giảm bớt sự phụ thuộc vào USD.
Vị thế khó lật đổBỏ qua những đợt tăng giảm giá bất ngờ, đồng USD vẫn là đồng tiền phổ biết nhất trong thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối
của các NHTW toàn cầu. Điều này cho thấy USD là đồng tiền dự trữ quốc tế khó có thể lật đổ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đồng bạc xanh đối với nền kinh tế toàn cầu đã phần nào suy yếu trong vài thập kỷ qua, theo MarketWatch.
Dữ liệu gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các NHTW đã giảm từ gần 70% vào cuối thập niên 1990 (khi đồng euro lần đầu được tung ra) xuống còn 58,4% vào quý IV/2022.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các NHTW nắm giữ ngoại tệ vì một số lý do, trong đó có mục đích tránh khủng hoảng tài chính và tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quốc tế diễn ra suôn sẻ.
Khác với phương diện dự trữ toàn cầu, tỷ trọng của đồng USD trong thanh toán quốc tế lại hầu như không đi xuống trong những năm gần đây, ngay cả khi từng giảm một chút trong những năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Dữ liệu gần đây của SWIFT cho thấy đồng USD được sử dụng cho hơn 40% giao dịch thương mại quốc tế, vượt đồng euro.
Lịch sử đã chỉ ra rằng thường phải mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, thì vị thế dự trữ toàn cầu của một đồng tiền tệ mới phai nhạt dần.
Thông thường, vị thế đó vẫn tồn tại ngay cả khi sức mạnh kinh tế và uy tín của quốc gia chủ nhà đạt đỉnh, theo nhận xét của hai nhà kinh tế Solita Marcelli và Alejo Czerwonko của UBS.
Một phân tích của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), đồng bạc xanh đã soán ngôi đồng tiền dự trữ toàn cầu của bảng Anh gần 100 năm trước, vào giữa những năm 1920.
Chiến lược gia vĩ mô Alan Ruskin của Deutsche Bank đã đưa ra một danh sách các yếu tố cần thiết để một loại tiền tệ khác có thể cạnh tranh với đồng USD.
Các yếu tố đó bao gồm một nền kinh tế mở có thể xử lý dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, một thị trường trái phiếu giàu thanh khoản chấp nhận sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá hối đoái do thị trường thiết lập, niềm tin vào pháp luật và quy định tài chính,...
Theo ông Ruskin, thật khó để tìm ra một đồng tiền tệ đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Ở báo cáo khác, ông Marc Chandler, Giám đốc cấp cao tại Bannockburn Global Forex, gọi USD là “TINA” - đồng tiền “không thể thay thế được”.
Lý do nhân dân tệ không thể soán ngôi USD
Nhiều năm qua, một số chuyên gia cũng nhắc đến việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể vượt qua USD. Song, đồng nội tệ của Trung Quốc vẫn chưa đạt được chỗ đứng đáng kể trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Trong khi đó, tỷ trọng của nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng nhẹ kể từ khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thêm nó vào giỏ quyền rút vốn đặc biệt vào năm 2016.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ nhân dân tệ và mặc dù đồng tiền này đã được giao dịch ở thị trường nước ngoài, các tổ chức tài chính vẫn không thể dễ dàng hoán đổi nó với các loại ngoại tệ khác.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng đây là những trở ngại khiến nhân dân tệ chưa được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại quốc tế.
Ông Brad McMillan, CIO tại Commonwealth Financial Network, cho hay: “Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ được quyết định bởi chính phủ Trung Quốc, chứ không phải thị trường”.
Các NHTW đã tăng cường mua vàng trong năm qua, sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022. UBS dự đoán vàng sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong dự trữ toàn cầu trong những năm tới.
Năm ngoái, các NHTW đã mua 1.136 tấn vàng, mức cao nhất từ năm 1950. NHTW Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông là các tổ chức mua nhiều vàng nhất.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899