Trung Quốc loay hoay khi đồng USD mạnh lên và yen giảm giá

07/11/2022, 07:04
báo nói -

TCDN - Đồng USD mạnh lên khiến Trung Quốc loay hoay giữa bảo vệ nhân dân tệ để mất lợi thế cạnh tranh trước Nhật Bản hay nới lỏng tiền tệ rồi chịu lạm phát cao.

South China Morning Post nhận định, giới chức Trung Quốc có thể đang cảm thấy đồng nhân dân tệ (CNY) quá yếu so với USD nhưng lại quá mạnh so với yen Nhật (JPY).

Đồng USD mạnh lên so với nhân dân tệ đang khiến nhập khẩu trở nên đắt hơn và tạo áp lực lạm phát lên người tiêu dùng Trung Quốc. Ở chiều hướng khác, nhân dân tệ mạnh lên so với yen Nhật đang khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ tại Nhật.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc

Cố gắng giải quyết vấn đề đồng USD mạnh lên có thể làm trầm trọng thêm vấn đề thứ hai và ngược lại. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn nếu muốn tác động đến giá trị đồng nhân dân tệ.

Một điểm khởi đầu tốt cho tình thế khó này sẽ là lạm phát tại Mỹ, vốn đang đạt mức kỷ lục. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng kiềm chế đà tăng giá thông qua thắt chặt chính sách tiền tệ.

Một trong những thước đo ưa thích của Fed đối với lạm phát ở Mỹ là chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE), nhất là chỉ số PCE lõi (không bao gồm sự biến động của giá thực phẩm và năng lượng).

Fed theo dõi chặt chẽ dữ liệu PCE khi tìm cách đạt mục tiêu lạm phát 2%. Số liệu PCE được công bố vào hôm 28/10 vẫn cao, bất chấp nhiều đợt tăng lãi suất liên tục. 

Rõ ràng người tiêu dùng Mỹ phải ăn, đổ xăng và sưởi ấm nhà. Vì vậy Fed tập trung vào chỉ số PCE lõi để loại trừ sự biến động của giá năng lượng và thực phẩm nhằm tìm ra bức tranh lạm phát “thật sự” tại Mỹ.

Bức tranh thực sự cũng không sáng sủa. Chỉ số PCE lõi của Mỹ vào tháng 9 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tăng từ 4,9% hồi tháng 8, bất chấp những nỗ lực thắt chặt trong năm qua và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

Lãi suất tăng đã củng cố sức mạnh của USD trong suốt năm 2022. Việc Fed tiếp tục chính sách thắt chặt đồng nghĩa với bức tường thành của sức mạnh đồng bạc xanh sẽ vẫn trụ vững.

Trong khi PCE là mục tiêu của Fed, thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn tiếp tục tuân theo chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, như trong chiến lược kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) hiện nay.

Chính sách YCC liên quan đến việc BOJ đặt ra mục tiêu lãi suất ngắn hạn là -0,1% và cam kết giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản 10 năm ở quanh 0%.

Lập trường của Nhật Bản là mục tiêu công khai cho thị trường tiền tệ trong suốt 2022, và đã được khẳng định lại một lần nữa bởi BOJ vào hôm 28/10 cũng như khoảng chênh lệch lợi suất ngày càng rộng giữa trái phiếu của Nhật Bản và Mỹ.

Sự suy yếu của đồng yen so với USD đã quá rõ rệt, khi chính phủ Nhật Bản thậm chí đã sử dụng biện pháp can thiệp ngoại hối đơn phương để cố gắng lật ngược tình thế trong thời gian gần đây.

Lượng mưa ở Australia và chính sách tiền tệ

Đồng USD mạnh lên so với nhân dân tệ khiến nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời nhân dân tệ đang mạnh lên so với yen Nhật, làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc so với Nhật Bản.

Giải đấu cricket Nam Thế giới T20 đang diễn ra tại Australia lại có thể đưa ra câu trả lời cho hành động tiếp theo của Trung Quốc. Một số trận đấu tại sự kiện trên đã phải hoãn hoặc hủy do mưa lớn. Không phải các trận đấu cricket mà lượng mưa tại Australia mới là vấn đề quan trọng với chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Hiện tượng thời tiết La Nina đang gây ảnh hưởng tại Australia, tạo thêm áp lực lên giá lượng thực trên toàn cầu, vốn đã tăng mạnh sau xung đột Ukraine.

Trung Quốc phụ thuộc lớn vào thực phẩm nhập khẩu và Bắc Kinh rất coi trọng vấn đề an ninh lương thực. Triển vọng rằng giá ngũ cốc tính theo USD đắt đỏ hơn có thể khiến Bắc Kinh kết luận rằng nên tập trung vào vấn đề nhân dân tệ đang suy yếu so với đồng bạc xanh, chứ không phải mạnh lên so với yen Nhật.

Tùng Lâm/theo South China Morning Post
Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc loay hoay khi đồng USD mạnh lên và yen giảm giá tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan