CIEM: GDP Việt Nam có thể đạt mức 2,6% cả năm 2020

11/07/2020, 17:35
báo nói -

TCDN - Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế trong và ngoài nước như hiện này, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng theo hai kịch bản trong năm 2020.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức ngày 10/7, chuyên gia CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, dựa đáng kể vào XK và FDI, do vậy chịu nhiều hệ lụy cả trực tiếp và gián tiếp từ đại dịch Covid-19.

2044_107368857_2896221993840679_2523669310972490317_n

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 10/7 cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 khiến 30,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I, và 0,36% trong quý II (so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng GDP cao hơn so với các nước ở khu vực châu Á.

Suy giảm hoạt động kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19 gắn liền với suy giảm tăng trưởng đầu tư. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 33% GDP, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1%, tương đương 109,3% GDP. XK của khu vực FDI giảm 6,7%; trong khi XK của khu vực DN trong nước tăng 11,7%.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, đại dịch Covid-19 có cả tác động trực tiếp và gián tiếp đối với XK của Việt Nam do cầu NK của các thị trường XK chính của Việt Nam như Mỹ, EU... đều giảm mạnh; hoạt động giao thương bị hạn chế; hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn; việc duy trì nguồn lao động và sự tồn tại của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và giá hàng hóa sụt giảm.

GDP 2020 tăng 2,1 - 2,6%

Các chuyên gia CIEM cho rằng, tuy được đánh giá cao trong phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, Việt Nam vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời cần thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ mạch cải cách và đảm bảo an sinh xã hội.

Các số liệu được công bố đến tháng 6 có thể chưa phản ánh đầy đủ những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nguyên nhân có thể do chính phủ nhiều nước, kể cả Việt Nam, đã sớm ban hành những biện pháp hỗ trợ, hoặc do đại dịch mới diễn ra trong thời gian ngắn nên chưa thể nhìn nhận và đánh giá các tác động của đại dịch một cách đầy đủ.

Tại hội thảo, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đứt gãy như hiện nay, chúng ta đang quá lạc quan khi nói rằng sẽ thu hút đầu tư lớn trong thời gian tới.

Đồng thời lưu ý, DN nội hiện đang rất khó khăn, nhiều DN bị tổn thương do ảnh hưởng dịch Covid-19. Và khi đã bị thương rồi thì rất khó phục hồi, khó để bật như lò xo như chúng ta kì vọng.

Về dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020, chuyên gia CIEM cũng đưa ra dự báo hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, trong kịch bản 1, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,1%, còn trong kịch bản 2, kết quả lạc quan hơn với mức tăng trưởng 2,6%.

Cùng với đó, XK cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản 1 và giảm 1,9% trong kịch bản 2 so với năm 2019. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.

Nghi Sơn (t/h)
Bạn đang đọc bài viết CIEM: GDP Việt Nam có thể đạt mức 2,6% cả năm 2020 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đà Nẵng và 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2020
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu các cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Quảng Ninh tính đến kịch bản hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020
Quảng Ninh dự kiến phấn đấu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như GRDP tăng 12%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 84.074 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 48.000 tỷ đồng... theo kịch bản 1 trước đó. Tuy nhiên, tỉnh cũng tính khả năng phải hạ thấp mục tiêu này trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.