Cơ hội chuyển đổi số trong bối cảnh bất định
TCDN - Ngày 12/9, Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học Chuyển đổi số trong bối cảnh bất định: Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, xu hướng chuyển đổi số đã hình thành từ lâu. Nhưng kể từ đầu năm 2020, với bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã khiến nhiều ngân hàng và doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh việc tìm kiếm các giải pháp trong chuyển đổi số nhằm duy trì hoạt động của mình. Tuy nhiên trên thực tế, việc thay đổi mô hình kinh doanh hay cách thức vận hành không hề đơn giản. Các số liệu thống kê cho thấy, không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả những tập đoàn đa quốc gia cũng có thể phải trả một giá đắt nếu đưa ra những quyết định sai lầm trong quá trình chuyển đổi số.
Theo khảo sát toàn cầu mới đây của công ty tư vấn McKinsey, số lượng doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 30%, điều này cho thấy 70% các nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp bị thất bại trong việc đạt được các mục tiêu đề ra.
Chuyên gia truyền thông chính sách Nguyễn Thy Nga nhấn mạnh, trong bối cảnh bất định, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen và phương thức hoạt động truyền thông của nhiều lĩnh vực như: tiếp thị điện tử, sự kiện ảo, giáo dục trực tuyến và từ xa, hợp tác và hội họp từ xa…
Để tăng tốc chuyển đổi số, theo bà Nguyễn Thy Nga, cần có chiến lược hành động đồng bộ từ Chính phủ đến doanh nghiệp. Trong đó, ba yếu tố chính cần quan tâm và có kế hoạch hành động gấp rút, bao gồm:
Thứ nhất, đảm bảo hạ tầng kết nối internet tốc độ cao. Dù tỷ lệ dân số tiếp cận internet cao, xấp xỉ 70% nhưng tốc độ đường truyền vẫn còn chậm và kém ổn định. Hiện tốc độ kết nối qua điện thoại di động và cố định của Việt Nam lần lượt là 30.39mbs và 43.26mps, thấp hơn nhiều so với Singapore lần lượt là 57.16 mbs và 200.12 mps.
Thứ hai, cần có cơ chế ưu đãi riêng cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bởi nhóm này vẫn chiếm tỷ lệ đa số trông nền kinh tế. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng thiếu kinh phí và ít quan tâm đến đầu tư công nghệ. Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xem xét và hành động sớm để có gói giải pháp hỗ trợ đến nhóm này.
Các gói hỗ trợ công nghệ đặc thù riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được nghiên cứu và khảo sát kỹ, đồng thời có sự hướng dẫn và tư vấn phù hợp để khai thác hiệu quả nhất. Với năng lực của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, sử dụng minh bạch, công khai, hiệu quả Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hứa hẹn là cú hích kích cầu mạnh cho khu vực tiềm năng này.
Thứ ba, kỹ năng và an toàn số là vấn đề cần được quan tâm sớm. Rủi ro trên môi trường số là không nhỏ với từng cá nhân và doanh nghiệp: từ tấn công mạng, tội phạm mạng, lừa đảo đến lộ, mất dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899