Cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi từ “sóng” đầu tư công?

18/04/2020, 21:36

TCDN - Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt tại các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành sẽ kéo theo nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế vĩ mô, phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế 2020. Trong quý 1 vừa qua, tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm. Không những vậy, quý 2 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh toàn quốc thực hiện "giãn cách xã hội".

Theo báo cáo của CTCK VNDIRECT, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế bởi dịch bệnh, Chính phủ đang có những hành động quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

1-15871175669501182989553

Ngày 6/4, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được ban hành. Tại đây, nhiều quy định về quản lý nguồn vốn, thanh quyết toán và chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc-Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý 2/2020. Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454km trong tổng số 646km, đạt 70,3%. Trong khi đó tại dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải giải ngân toàn bộ 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, nhằm đưa dự án vào khởi công vào năm 2021.

Các dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam sẽ là điểm nhấn

Ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 101,2 nghìn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.

Empty

Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc-Nam. Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý 3/2020.

VNDIRECT ước tính khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. Bên cạnh đó, nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.

Đầu tư cổ phiếu nào đón "sóng" đầu tư công?

VNDIRECT đánh giá rất tích cực với triển vọng ngành đá. Do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá được giao tại công trình có thể cao gấp đôi so với giá giao tại mỏ.

Bộ Xây dựng đã đề nghị 13 tỉnh có cao tốc Bắc-Nam đi qua tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công các dự án này, qua đó giảm thời gian xây dựng và chi phí vận chuyển.

Empty

Theo ước tính của VNDIRECT, hai dự án cao tốc trên sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết. Trong đó, KSB và DHA là hai cái tên sáng giá trong ngành đá xây dựng, nhờ sở hữu nhiều mỏ đá ở vị trí tốt, công suất khai thác lớn và thời hạn khai thác dài.

Ngành nhựa đường cũng được VNDIRECT đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành. Trên sàn chứng khoán hiện có PLC là công ty nhựa đường duy nhất niêm yết và hiện chiếm khoảng 30% thị phần nội địa.

Ngành thép cũng được VNDIRECT đánh giá hưởng lợi do nhu cầu tăng thêm từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam. Hòa Phát (HPG) là cái tên được gợi ý trong báo cáo.

Với ngành xi măng, VNDIRECT đánh giá cũng được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng của dự án cao tốc Bắc – Nam. Tuy vậy ngành xi măng vẫn trong tình trạng dư cung và áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt. Cổ phiếu được lựa chọn trong báo cáo của VNDIRECT là HT1 và BCC do có sự cải thiện trong KQKD cũng như hạn chế được rủi ro tỷ giá.

Theo ICTVietNam
Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi từ “sóng” đầu tư công? tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan