Điều ít biết về ông chủ dự án Hàng không Cánh Diều

19/04/2020, 06:00

TCDN - Sau khi hợp tác không thành với AirAsia, ông chủ Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên vẫn nuôi tham vọng với thị trường hàng không bằng việc xin thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng dù đã từng có 6 năm theo học ngành y khoa.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Học Y khoa, làm du lịch

Trước đó, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều của Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh, đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không mới chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Ông Trần Trọng Kiên (sinh năm 1973) từng theo học 6 năm và tốt nghiệp chuyên ngành Bác sỹ đa khoa thực hành tại Đại học Y Hà Nội, từ 1989-1994.

Ông Trần Trọng Kiên (sinh năm 1973) từng theo học 6 năm và tốt nghiệp chuyên ngành Bác sỹ đa khoa thực hành tại Đại học Y Hà Nội, từ 1989-1994.

Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh có tổng vốn đầu tư là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỉ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỉ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, được thành lập ngày 13/6/2019 do ông Trần Trọng Kiên làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. 3 cổ đông chính của công ty gồm: ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng (60% vốn), Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ đồng (30%), bà Trần Hằng Thu - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của Thiên Minh góp 100 tỷ đồng.

Được biết, ông Trần Trọng Kiên (sinh năm 1973) từng theo học 6 năm và tốt nghiệp chuyên ngành Bác sỹ đa khoa thực hành tại Đại học Y Hà Nội, từ 1989-1994. Ông cũng được Đại học Tổng hợp Hawaii cấp chứng nhận Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh. Tuy nhiên, ngay khi ra trường, ông Kiên không theo nghiệp y khoa mà lại bước chân vào lĩnh vực du lịch.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh là vận tải hành khách hàng không, trụ sở chính đặt tại số 187 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh đăng ký 6 ngành, nghề kinh doanh. Trong đó, ngành nghề chính là vận tải hành khách hàng không. Các ngành nghề khác là: Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác); sửa chữa máy móc, thiết bị; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải; vận tải hàng hóa hàng không; cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển (cho thuê máy bay).

Sở hữu chuỗi khách sạn lớn, nợ thuế cũng nhiều

Ông Trần Trọng Kiên cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Thiên Minh Group - hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Thiên Minh Group sở hữu chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng thương hiệu Victoria: Victoria Hotels & Resorts, Khu nghỉ dưỡng Victoria Sapa, Hội An, Phan Thiết, Cần Thơ; tại Campuchia có khu nghỉ dưỡng Victoria Angkor, tại Lào có khách sạn Victoria Xieng Thong.

Tuy vậy, hồi tháng 10/2019, Thiên Minh Group của ông Trần Trọng Kiên cũng bị Cục Thuế TP.Hà Nội bêu tên vì đứng thứ hai trong danh sách nợ thuế  với số nợ hơn 29 tỷ đồng tính đến ngày 31/8/2019.

Thiên Minh Group cũng đang điều hành trang iVivu. com - hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến. Các cổ đông của Thiên Minh Group cũng nắm giữ tới 89% cổ phần trong hãng hàng không Hải Âu, đơn vị đầu tiên và duy nhất khai thác kinh doanh loại hình thủy phi cơ tại Việt Nam.

Ngoài ra ông chủ của Thiên Minh Group còn sở hữu du thuyền Victoria, Thuyền Mekong Princess, tàu cao tốc Victoria, thuyền sampan Cái Bè Princess, thuyền sampan Sông Xanh,…

Ông Trần Trọng Kiên từng phát biểu rằng ngành hàng không còn dư địa tăng trưởng rất lớn. So với một số nước có thị trường du lịch lớn như Thái Lan thì số hãng hàng không thường lệ của Việt Nam chưa bằng 1/3 (Thái Lan có 13 hãng thường lệ và 10 hãng thuê chuyến). Ông Kiên kiến nghị Việt Nam nên tạo cơ hội cấp phép thêm nhiều hãng hàng không mới để tham gia thị trường.

Năm 2017, Thiên Minh tìm kiếm liên doanh hợp tác với AirAsia trong một dự án nhằm đưa hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á vào thị trường Việt Nam. Công ty con của Thiên Minh là Công ty TNHH Gumin dự kiến nắm 70% trong liên doanh mới. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, AirAsia bất ngờ phát đi thông báo về việc chấm dứt sự hợp tác này. Nguyên nhân được cho là cả hai không tìm thấy tiếng nói chung trong các thỏa thuận.

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập hãng hàng không Hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự kiến cuối năm 2020, Vietravel Airlines có thể sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Điều ít biết về ông chủ dự án Hàng không Cánh Diều tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan