"Cơ quan thuế cần hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, không chờ đợi thông tư"
TCDN - Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Thông tư hướng dẫn hoàn thuế VAT đã được Tổng cục Thuế lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện, nhưng để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp các Cục Thuế, Chi cục Thuế địa phương cần triển khai hoàn thuế cho doanh nghiệp chứ không chờ đợi thông tư.
Sáng nay (25/11), Bộ Tài chính vừa phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022.
Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã nêu tình trạng chậm được hoàn thuế VAT gây khó khăn cho quán trình hoạt động của doanh nghiệp và cần được cơ quan chức năng có phương án tháo gỡ.
Đơn cử, ông Tomoki Kawasaki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hoà), cho biết việc chậm hoàn thuế VAT của công ty kéo dài đến nay đã 2 năm, do nghịch lý là doanh nghiệp chưa có giấy phép về điện lực vì theo quy định của ngành điện, giấy phép chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động. Trong khi, dự án của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, thời gian đầu tư phải mất 4-5 năm mới có thể đi vào hoạt động.
"Việc kéo dài hoàn thuế hai năm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế VAT, phát sinh chi phí lãi vay. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang thua lỗ vì chênh lệch tỉ giá. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh" - ông Tomoki Kawasaki kiến nghị.
Trả lời vấn đề này của doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với trường hợp đầu tư dự án của Công ty Điện lực Vân Phong được hoàn thuế VAT, nhưng ngành điện lại là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện Bộ Tài chính cũng đang phối hợp các Bộ chuyên ngành để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Tuấn cũng cho biết ngày 23/11/2022, Tổng cục Thuế đã có công văn số 12299/BTC-TCT về hoàn thuế dự án đầu tư. Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế, các Chi cục Thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế dự án và thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 49/2022 để xem xét giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về hoàn thuế dự án đầu tư.
“Thông tư hướng dẫn đã được Tổng cục Thuế lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện, nhưng để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp các Cục Thuế, Chi cục Thuế địa phương cần triển khai hoàn thuế cho doanh nghiệp chứ không chờ đợi Thông tư” – ông Tuấn nói.
Trước đó, vấn đề chậm hoàn thuế cũng được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính nêu ra trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều trở ngại trong việc xin hoàn thuế do quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương.
Thời gian quy định với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo công bố là 40 ngày, nhưng thời gian thực tế có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.
Vấn đề này đã được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân báo cáo Thủ tướng tại kỳ báo cáo tháng 4 - 5/2021. Ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Liên quan đến vấn đề hoàn thuế VAT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng đã có Công văn 107/HHG-VP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.
Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp từ 40-50 tỷ đồng.
Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành. Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
“Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899