Cơn ác mộng đáng sợ nhất của giới sản xuất dầu thô trong năm 2020

22/12/2020, 19:55

TCDN - Giới sản xuất dầu thô từng chịu nhiều cú sốc về giá trong vòng chục năm qua, song cú sốc trong năm 2020 thực sự là cơn ác mộng kinh hãi nhất của họ.

Lúc 16h20 ngày 21/12, giá dầu thô WTI đạt mức 47 USD mỗi thùng. Từ ngày 29/10 tới nay, giá dầu thô WTI luôn ở mức trên 35 USD/thùng. Mức giá đó phản ánh đúng dự báo của giới phân tích, song vẫn chưa đủ lớn để giới sản xuất dầu thô thoát khỏi cảm giác hãi hùng.

Đại dịch COVID-19 khiến mọi thị trường, doanh nghiệp và nền kinh tế trên toàn cầu lao đao trong phần lớn thời gian của năm 2020. Giới sản xuất dầu thô cũng chứng kiến mọi mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu vật lộn với những tác động xấu. 

Ngành sản xuất dầu thô đang chịu cú sốc kép trên cả phương diện cung lẫn cầu. Nhu cầu nhiên liệu lao dốc khi người dân hạn chế di chuyển và các nước áp dụng chính sách phong tỏa trong đại dịch. 2020 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, giới phân tích dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm.

Đúng lúc nhu cầu giảm, nguồn cung dầu mỏ lại tăng mạnh do cuộc chiến giá của các nước sản xuất lớn. Hồi tháng 3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga không tìm ra tiếng nói chung trong việc thống nhất giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu trong đại dịch. Thỏa thuận giảm sản lượng khi đó giữa OPEC và các đồng minh (OPEC+) hết hạn vào tháng 3.

2020 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, giới phân tích dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm. Ảnh: FX Empire

2020 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, giới phân tích dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm. Ảnh: FX Empire

Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến thất bại trong nỗ lực cứu giá dầu thô. Thứ nhất, Saudi Arabia muốn trừng phạt Nga vì từ bỏ liên minh OPEC+. Thứ hai, Saudi Arabia muốn củng cố vị trí là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Vài ngày sau, Saudi Arabia hạ giá bán chính thức (OSP) với các sản phẩm thêm 6 – 8 USD một thùng và công bố kế hoạch tăng sản xuất, châm ngòi cho cuộc chiến giá. Ngay lập tức, giá của hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới - WTI và Brent - giảm xấp xỉ 30%, mức mạnh thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau đợt lao dốc tháng 1/1991.

3 tháng đầu năm, Brent mất giá tới hơn 65%, còn WTI mất hơn 66% - mức giảm tệ nhất lịch sử. Các bên liên quan hầu như không thể chặn đà giảm đó.

Francisco Blanch – Giám đốc Hàng hóa tại Bank of America - nhận định rằng, với cơ chế thông thường, người tiêu dùng sẽ tăng mua khi giá giảm. Nhưng hiện tại, nguyên lý ấy không hoạt động, vì các lệnh phong tỏa.

"Hoạt động giao dịch trên thế giới chưa bao giờ dừng lại như thời gian qua. Sự ngừng trệ ấy khiến cuộc khủng hoảng hiện tại khác thời Đại Suy thoái. Giới sản xuất dầu đang phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt nhất", ông bình luận.

Hàng loạt chuyên gia lên tiếng cảnh báo sức ép ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ chịu áp lực rất lớn. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản vì không thể trả các khoản nợ ngân hàng khi giá dầu xuống quá thấp.

Cảnh báo đã trở thành sự thật khi vào đầu tháng 4, Whiting - một trong những công ty dầu mỏ đá phiến lớn nhất của Mỹ tại Bắc Dakota nộp đơn xin phá sản, trở thành "kẻ chiến bại" lớn đầu tiên của cuộc khủng hoảng giá dầu.

Lo ngại hậu quả thảm khốc tiếp tục đứng ngoài, OPEC và các đồng minh liên tục họp khẩn, đạt thỏa thuận về mức giảm sản xuất lớn nhất lịch sử - 9,7 triệu thùng một ngày - tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu. Mỹ và IEA cũng tham gia vào nỗ lực cứu thị trường.

Bất chấp các nỗ lực này, giá dầu thô vẫn lao dốc. Dầu thô Mỹ WTI về 20 USD, rồi 15 USD một thùng. Giá giảm chủ yếu do dầu lấp đầy các kho chứa quá nhanh và hợp đồng WTI sắp đáo hạn. Khi một hợp đồng tương lai gần đến ngày đáo hạn, giá của chúng thường dịch chuyển về bằng giá bán dầu thực tế trên thị trường. Xu hướng đó khiến WTI giao tháng 5 liên tục lao dốc trong những ngày cuối.

Nhưng chẳng ai ngờ giá dầu WTI thậm chí xuống âm 37,63 USD trong phiên 20/4 - lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 0. Giá dầu âm đồng nghĩa người bán phải trả tiền cho người mua.

Giá âm xảy ra bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, nhóm đầu cơ chấp nhận bán lỗ để không phát sinh thêm chi phí lưu trữ dầu khi hợp đồng đáo hạn, trong bối cảnh giá lưu kho dầu cứ tăng. Thứ hai, các hãng sản xuất dầu thô sẵn sàng trả tiền để đẩy dầu thô ra khỏi kho, vì chẳng ai có nhu cầu dầu vào lúc ấy, khi cả nền kinh tế đang trong tình trạng phong tỏa. Với họ, trả tiền để bán dầu vẫn còn rẻ hơn so với phải ngừng sản xuất hay tìm chỗ chứa.

Nhã Vy/theo CNBC
Bạn đang đọc bài viết Cơn ác mộng đáng sợ nhất của giới sản xuất dầu thô trong năm 2020 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá dầu thô bật tăng trở lại
Giá xăng dầu tại thị trường thế giới trong phiên đầu tuần đã tăng nhẹ trở lại, trong đó dầu Brent đã trở lại mức giá 40 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước vẫn bình ổn trong giao dịch hôm nay.