Công ty sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế vỡ nợ
TCDN - JKN Global Group, chủ sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, không thể trả khoản trái phiếu doanh nghiệp trị giá 12 triệu USD đáo hạn vào ngày 1/9.
Nikkei đưa tin JKN Global Group, chủ sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, đã vỡ nợ. Công ty không thể hoàn trả khoản trái phiếu doanh nghiệp trị giá 443 triệu baht (12 triệu USD) đáo hạn vào ngày 1/9.
Năm ngoái, JKN đạt thỏa thuận mua lại quyền sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, vốn do cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đồng sở hữu từ năm 1996 đến năm 2002. Theo báo cáo, JKN đã chi khoảng 20 triệu USD để thâu tóm Miss Universe.
Vào ngày 21/7, JKN Global Group đã công bố mô hình kinh doanh Hoa hậu Hoàn vũ toàn cầu nhằm mở rộng thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ ra toàn thế giới thông qua các sản phẩm và dịch vụ.
Theo mô hình này, JKN Global Group sẽ hợp tác với các đối tác địa phương để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ. Các sản phẩm và dịch vụ này bao gồm sản phẩm tiêu dùng (mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng) và dịch vụ (giáo dục, du lịch, giải trí).
Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang tăng ở Thái Lan. Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất đã làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp và gây khó khăn cho một số tổ chức phát hành trong việc đảm bảo số tiền họ cần để trả nợ.
Các tổ chức phát hành trái phiếu cũng đang gặp khó khăn bởi sự thận trọng ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với việc mua trái phiếu không được đảm bảo bằng tài sản thế chấp.
Niềm tin của giới đầu tư giảm
Ông Kasem Prunratanamala, trưởng bộ phận nghiên cứu của CGS-CIMB Securities (Thái Lan), phát biểu: “Các vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây của nhiều doanh nghiệp đã làm giảm lòng tin trên thị trường, dẫn đến giá trị giao dịch trái phiếu giảm”.
Theo hiệp hội Thị trường Trái phiếu Thái Lan, 7 công ty niêm yết đã trễ thời hạn mua lại tính đến ngày 31/8. Tổng số nợ của 7 công ty này là 19 tỷ baht. Con số này nhiều hơn 6 vụ vỡ nợ với tổng trị giá 13,5 tỷ baht xảy ra trong giai đoạn 2016 - 2022.
Khó khăn đang bao trùm nhiều tập đoàn Thái Lan, từ nhà phát triển bất động sản tới các công ty điện tử và năng lượng tái tạo cho đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp này phản ánh nhu cầu vẫn còn yếu ở một quốc gia vẫn đang vật lộn để lấy lại động lực trước COVID như Thái Lan.
Nhà phát triển bất động sản All Inspire Development đã không thể hoàn trả 7 lô trái phiếu trị giá 2,3 tỷ baht, trong khi công ty quản lý tài sản Asia Capital Group đã không thể trả khoản thanh toán trị giá 2,6 tỷ baht.
Chủ nợ của All Inspire Development đã đồng ý để ngân hàng Ayudhya - đại diện cho họ, đệ trình đơn buộc công ty phải hoàn trả 2,3 tỷ baht càng sớm càng tốt. Tòa án đã thụ lý vụ việc và phiên tòa sẽ bắt đầu vào tháng 10.
Năm ngoái, các công ty Thái Lan đã phát hành một lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn bất thường, khiến các nhà đầu tư có ít tiền mặt hơn để phân bổ cho các đợt phát hành mới. Theo hiệp hội Thị trường Trái phiếu Thái Lan, năm ngoái, tổng số tiền mà giới doanh nghiệp huy động từ phát hành trái phiếu là 1.270 tỷ baht.
Vụ vỡ nợ 9,2 tỷ baht của tập đoàn Stark Corporation - một nhà sản xuất dây điện lên sàn thông qua niêm yết cửa sau, và sau đó bị phát hiện là chỉnh sửa sổ sách, đã làm giảm niềm tin không chỉ vào ngành tài chính mà cả niềm tin vào cơ quan quản lý.
Từng là một trong 100 công ty niêm yết hàng đầu Thái Lan, Stark đã trễ thời hạn của 5 lô trái phiếu. Cơ quan quản lý đã đệ trình vụ kiện gian lận đối với 10 giám đốc công ty và hiện chưa rõ Stark có thể huy động vốn để trả nợ như thế nào.
Ông Terdsak Taweethiratham, Phó Chủ tịch Asia Plus Securities, nhận định các nhà đầu tư hiện sẽ hết sức thận trọng trước khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây là một yếu tố khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới để mở rộng kinh doanh hoặc đáo nợ hiện tại.
Chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng
Một số nhà phân tích cho rằng các tập đoàn giờ đây sẽ phải huy động vốn bằng cách vay ngân hàng. Họ cũng sẽ phải gánh chi phí tài chính cao hơn khi lãi suất ngày càng tăng. Ông Kasem tại CGS-CIMB Securities cho biết: “Điều này phản ánh những khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ trong việc luân chuyển hoặc phát hành trái phiếu trong bối cảnh lãi suất tăng”.
Các cáo buộc gian lận và vấn đề thanh khoản không phải là vấn đề duy nhất tạo nên bức tranh u ám trên thị trường trái phiếu Thái Lan. Ông Kasem dự báo có thể xảy ra những vụ vỡ nợ khác khi thị trường trở nên u ám do “những bất ổn chính trị kéo dài, lãi suất tăng và phục hồi kinh tế yếu kém”.
Vị chuyên gia cũng cho rằng vụ việc một công ty lớn bị cáo buộc gian lận đã làm mất đi hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.
Có thể còn nhiều rắc rối phía trước. Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Thái Lan đã đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư đối với trái phiếu do công ty phát triển bất động sản Risland có trụ sở tại Hong Kong phát hành ngày 19/10 năm ngoái, với lý do công ty này bị hạ xếp hạng gần đây.
Fitch Rating (Thái Lan) đã hạ xếp hạng của Risland từ hạng đầu tư xuống hạng đầu cơ do dòng tiền của công ty đang suy giảm và tác động từ nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đối với hoạt động của công ty tại đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899