CPI bình quân 10 tháng tăng thấp nhất trong 3 năm
TCDN - Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 10 tháng năm 2019, CPI tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 10 tháng năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 2,79% so với tháng 12/2018 và tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,59% CPI tháng 10/2019, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 1,04%. Trong nhóm hàng ăn uống thì lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 1,57%.
Nhóm giao thông cũng tăng 0,99% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 1/10/2019 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 16/10/2019 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 2,22%. Giá xăng dầu đã tác động làm CPI chung tăng 0,1%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53% chủ yếu do giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/10/2019 làm chỉ số giá gas tăng 7,62%, góp phần làm CPI chung tăng 0,09%.
Nhóm giáo dục tăng 0,19% trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,21% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; đồ uống, thuốc lá và nhóm thuốc và dịch vụ y tế đều tăng 0,04%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%. Chỉ riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Tính chung, CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Cơ quan Thống kê cũng tính toán lạm phát cơ bản (sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2019 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,99% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,92%.
Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,92% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899