Đã có phương án xử lý đối với SCB và các ngân hàng yếu kém

04/01/2023, 10:32
báo nói -

TCDN - Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng SCB.

Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã thông tin như trên khi thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình và kết quả kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Theo đó, trong năm 2022, Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, để thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ và tài khóa, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đã có phương án xử lý đối với SCB và các ngân hàng yếu kém (Ảnh minh họa).

Đã có phương án xử lý đối với SCB và các ngân hàng yếu kém (Ảnh minh họa).

Đồng thời, Chính phủ cũng chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, bất cập về tín dụng, ngân hàng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Ngoài SCB, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm: DongABank, CBBank, GPBank, và OceanBank.

Sau chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ cho biết, năm nay sẽ tập trung triển khai, nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.

Ngoài ra, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B - Ô Môn; dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM, chủ trương phá sản SBIC.

Phương án xử lý các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố... cũng được Chính phủ báo cáo, trình Bộ Chính trị trong năm 2022.

Nhìn lại năm 2022, lãnh đạo Chính phủ nhận xét, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép. Áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh. Các thị trường lớn, truyền thống suy giảm; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn... Nhưng với kịch bản điều hành chủ động, linh hoạt, nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Ngọc Diễm
Bạn đang đọc bài viết Đã có phương án xử lý đối với SCB và các ngân hàng yếu kém tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

SCBV hỗ trợ ngành nghêu nâng cao giá trị, phát triển liên kết
Nhờ sự hỗ trợ của Dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV), Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thạnh Lợi (Bến Tre) đã tháo gỡ nút thắt về tiêu chuẩn nghêu sạch, từ đó tiến thêm một bước trong liên kết giữa doanh nghiệp và HTX.