Đa phần các nước ủng hộ đánh thuế Facebook, Google, Amazon
TCDN - Kế hoạch đánh thuế xuyên biên giới đối với các tập đoàn đa quốc gia ở mức ít nhất 15% lợi nhuận của họ đã được 130/139 quốc gia ủng hộ.
Tờ Đất Việt cho hay, thông tin trên được Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cho biết. Theo ước tính của OECD, mức thuế lợi nhuận doanh nghiệp tối thiểu này sẽ giúp doanh thu thuế toàn cầu tăng thêm 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Các đề xuất mới cũng cho phép phân bổ quyền đánh thuế vào hơn 100 tỷ đô la lợi nhuận hàng năm của tập đoàn đa quốc gia cho các nước thị trường, nơi mà các tập đoàn này bán hàng hóa và dịch vụ.
Sau cuộc đàm phán do OECD chủ trì, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Khi mức thuế tối thiểu này được triển khai, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không thể đặt các nước vào tình thế cạnh tranh lẫn nhau để đẩy mức thuế đi xuống. Họ sẽ không còn có thể tránh trả phần thuế hợp lý của họ hoặc che giấu lợi nhuận kiếm được tại Mỹ hay bất kỳ nước nào khác, nơi có mức thuế thấp”.
Kế hoạch đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu không đòi hỏi các nước phải thiết lập mức thuế sàn 15% nhưng cho phép các chính phủ quê hương của các tập đoàn đa quốc gia thu thêm thuế đối với họ để đạt mức tối thiểu nếu họ đóng thuế thu nhập thấp hơn 15% ở một nước khác.
Chẳng hạn, một công ty có trụ sở đặt ở nước A nhưng ghi nhận lợi nhuận ở nước B, nơi mức thuế chỉ 11%. Khi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, nước A có quyền thu thêm thuế ở mức 4% lợi nhuận của công ty này, giúp ngăn chặn tình trạng chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thấp hơn 15%.
Nếu được áp dụng rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp toàn cầu đổ tới những thiên đường thuế như Ireland, British Virgin Islands đặt trụ sở, trong khi hoạt động, khách hàng và nhân viên của họ ở khắp nơi trên thế giới.
Theo kế hoạch cải cách thuế này, các doanh nghiệp sẽ bị áp thuế của nơi họ hoạt động kinh doanh, chứ không phải theo nơi họ đặt trụ sở như hiện nay.
Theo thỏa thuận của OECD, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% sẽ áp dụng cho bất kỳ công ty nào có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro/năm, ngoại trừ các công ty trong ngành vận tải biển.
Ngoài ra, thỏa thuận đặt ra quy định mới về nơi được cấp quyền đánh thuế, áp dụng cho các tập đoàn có doanh thu thu toàn cầu hơn 20 tỷ euro mỗi năm, với biên nhuận trước thuế hơn 10%.
Các doanh nghiệp ngân hàng, bảo hiểm và khai thác tài nguyên sẽ được miễn trừ khỏi quy định này. Theo đó, quyền đánh thuế 20-30% phần lợi nhuận vượt quá mức biên lợi nhuận trước 10% của các tập đoàn này sẽ được phân bổ cho các nước thị trường. Sau 7 năm thực hiện, quy định này sẽ được xem xét lại và có thể hạ tiêu chí doanh thu toàn cầu về mức 10 tỉ euro mỗi năm.
Nghiên cứu của Nikkei cho thấy 81 tập đoàn đa quốc gia đáp ứng các tiêu chí doanh thu và biên lợi nhuận được đặt ra trong quy định phân bổ quyền đánh thuế. Trong số đó 46 tập đoàn (gần 60%) đến từ Trung Quốc (11) và Mỹ (35).
Các ông lớn công nghệ như Tencent, Alibaba (Trung Quốc), Facebook, Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon, Microsoft (Mỹ)... đều nằm trong danh sách này.
Kết quả kinh doanh của năm ngoái cho thấy 81 tập đoàn có tổng cộng 410 tỷ euro lợi nhuận dư dôi trên mức biên lợi nhuận 10%. Quyền đánh thuế 20-30% phần lợi nhuận này, khoảng 100 tỷ đô la, sẽ phân bổ cho các nước thị trường.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899