Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xăng dầu
TCDN - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với xăng dầu trong việc thiếu xăng dầu thời gian vừa qua, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam gây bức xúc cho người dân.
Thảo luận tại tổ sáng ngày 22/10, vấn đề xăng dầu được nhiều đại biểu nêu ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết, thời gian có tình trạng khan hiếm xăng dầu ở nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh phía Nam. Chi phí doanh nghiệp tăng cao, tình hình giá cả có nhiều biến động, chậm ổn định, làm ảnh hưởng tới quá trình đầu tư, kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp bình ổn giá cả; đặc biệt cần có chiến lược ổn định giá xăng dầu về lâu dài; có thể xem xét kéo dài chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), việc quản lý và sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong điều tiết xăng dầu chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ đặc biệt ở khu vực miền Nam như thời gian vừa qua, gây phức xúc cho người dân.
Đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với xăng dầu. Cùng với đó đại biểu cho rằng Chính phủ cần có chỉ đạo điều hành trong công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để tránh xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu.
Cũng theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), cử tri các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long băn khoăn, lo lắng về tình trạng nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, tình trạng hàng giả hàng kém chất lượng, tình trạng khan hiếm xăng dầu, giá cả xăng dầu tăng cao… làm ảnh hưởng lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Trong Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899