Đại biểu đề xuất giảm thuế GTGT đến hết năm 2024
TCDN - Đánh giá là giải pháp hiệu quả và khả thi trong chính sách hỗ trợ áp dụng vài năm gần đây, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế GTGT dài hơn, có thể hết năm 2024.
Đề xuất giảm thuế GTGT hết năm 2024
Góp ý về đề xuất giảm thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế GTGT tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tăng tăng nhu cầu tiêu dùng. Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023 bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập việc làm và niềm tin tiêu dùng chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị cần thiết được tiếp nối trong năm 2024.
Hơn nữa, theo đại biểu đề xuất giảm 2% thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm GTGT cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm GTGT làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế GTGT cho cả năm 2024 - đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.
Bên cạnh đó, theo đại biểu việc giảm thuế GTGT là điều đáng mừng nhưng trong đó có một số doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước 10% hóa đơn đầu vào, khi chính sách áp dụng còn 8%, làm doanh nghiệp bắt 2% doanh thu dẫn đến ảnh hưởng đến đến nguồn thu của doanh nghiệp. Đại biểu mong các cơ quan ban hành hướng dẫn các địa phương để hướng dẫn thanh toán 2% giá trị hợp đồng như chính sách đã ban hành.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho hay, giảm thuế này có lợi trực tiếp nhưng người dân cũng có thể bị hại một cách gián tiếp sau này khi mà nguồn thu ngân sách của nhà nước không được đảm bảo, thu ngân sách không đảm bảo thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn đất nước sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng nếu áp dụng thì nên áp dụng một cách dài hạn hơn, thay vì áp dụng 6 tháng.
Xem xét lại đối tượng giảm thuế GTGT
Chia sẻ về sự cần thiết của việc giảm thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, sau một thời gian tương đối dài (từ năm 2020- 2022), đất nước ta chịu áp lực chống chọi với đại dịch Covid-19 và tình hình bất lợi, phức tạp của thế giới. Nhìn chung doanh nghiệp trong nước trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn, thách thức nhiều hơn thời cơ, sức ép về lạm phát còn cao, tăng trưởng có thể đạt thấp so với kế hoạch đã được đề ra. Do đó, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể về chính sách tài chính để thúc đẩy kích cầu tiêu dùng trong nước trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
“Với giải pháp về việc giảm thuế GTGT cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác sẽ tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp đỡ cho các doanh nghiệp giảm dần một phần chi phí sản xuất kinh doanh, từng bước tăng dần lợi nhuận, góp phần ổn định phát triển kinh tế về lâu dài”, đại biểu Tạo nêu ý kiến.
Góp ý về phạm vi áp dụng của dự thảo, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, bối cảnh ban hành Nghị quyết số 43 là thời điểm của dịch bệnh Covid-19, đã tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết số 43 chỉ giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%.
Hiện nay, tính hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số 43 cũng đang rất khó khăn, như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.
Theo đại biểu Việt Nga, phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành, vừa có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến giảm thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899