Đảm bảo công bằng, trao quyền cho hội đồng trường

24/11/2022, 10:44

TCDN - Trong bối cảnh nhiều trường đại học công bố mức học phí tăng 30-40% khiến không ít phụ huynh, học sinh lo ngại về khả năng chi trả và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đang có sự nhầm lẫn về quan điểm giữa tự chủ đại học và tự túc nguồn lực.

2-1

Không đồng nghĩa với tự túc nguồn lực, kinh phí

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay đang có sự nhầm lẫn về quan điểm ở cả cấp quản lý và cơ sở giáo dục. Đó là lẫn lộn giữa tự chủ đại học và tự túc nguồn lực, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc các trường đại học phải tự túc về mặt nguồn lực, kinh phí. Đối với các trường công lập, nguồn lực được cấp chính là từ ngân sách nhà nước. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại, cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng đào tạo, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Tại Trung Quốc, khi tự chủ, các trường công lập cũng huy động những nguồn lực khác nhưng nguồn huy động từ học phí không được quá 1/3, số còn lại dựa vào ngân sách Nhà nước cùng các hoạt động như nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh… Còn tại Việt Nam, hiện chỉ có một số ít các trường có hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh tương đối tốt, còn lại đào tạo vẫn là hoạt động chính. Như vậy, nếu không được cấp nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thì chỉ có một cách là tăng học phí.

Tuy nhiên, khi nói đến tăng học phí, bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân. Người dân đóng thuế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập, không thể bắt người học phải chịu gánh nặng lớn về học phí.

“Một nền giáo dục tốt phải thỏa mãn một số yếu tố bao gồm: tính công bằng về cơ hội học tập, tiêu chí chất lượng, hiệu quả (cùng một khoản tiền phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất), tính thống nhất (tức cần chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục). Nếu thỏa mãn được cả 4 tiêu chí trên mới có thể coi là một nền giáo dục tốt. Ở nước ta hiện nay đang nói nhiều đến chuyện phải nâng cao chất lượng nhưng chất lượng đó có thực hay không lại là chuyện khác. Khi nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Học phí tăng nhưng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục, để mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học” - TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chủ trương tự chủ đại học là đúng đắn, có ý nghĩa đột phá để phát triển giáo dục đại học lên tầm cao mới, thế giới đã thực hiện tự chủ từ lâu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, cơ chế tự chủ đại học đang còn nhiều lúng túng. Trong cả giới quản lý lẫn học thuật đang có sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho các trường đại học với việc Nhà nước phân quyền cho cơ sở cũng như với đòi hỏi cơ sở phải tự túc về tài chính.

“Luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, lủng củng, nửa vời. Đang có sự lẫn lộn và xung đột giữa cơ chế tự chủ với cơ chế chủ quản (như cũ), mà chủ quản vẫn mạnh hơn, cũng có nghĩa là nói tự chủ nhưng vẫn chưa được tự chủ theo đúng nghĩa. Nếu kéo dài tình trạng này, thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học mặc dù rất đúng đắn nhưng có khả năng phá sản, giáo dục đại học của Việt Nam sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.

Tăng cường hỗ trợ ngân sách cho trường triển khai thành công

Để giải quyết tình trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần sớm thống nhất một số quan điểm. Trong đó, không đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học. Xem đây như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt với các trường công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản, để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học, không được ẩn dưới tên gọi mập mờ khác như “cơ quan quản lý trực tiếp”.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Chừng nào cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền/cơ chế chủ quản đối với cơ sở giáo dục đại học thì ở đó chưa nên vội vàng thành lập Hội đồng trường và do đó không nên máy móc chuyển trường qua cơ chế tự chủ. Trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền/cơ chế chủ quản như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của trường đại học.

Về khía cạnh học phí, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh nêu quan điểm, việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình. “Đặc biệt, sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công tư, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục và đào tạo”, ông Quân nói.

TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng cơ chế tài chính trong giáo dục đại học hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Suất đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước và học phí tính trên đầu sinh viên ở Việt Nam, đang quá thấp. "Chúng ta có quá nhiều trường đại học công lập (hệ quả của việc mở quá nhiều ở giai đoạn 2000-2010) nên mặc dù Chính phủ đã liên tục tăng đầu tư cho giáo dục đại học nhưng ngân sách nhà nước đầu tư trên đầu sinh viên vẫn còn quá thấp" - TS Phạm Hiệp nói.

Để nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người nghèo, TS Phạm Hiệp khẳng định phải đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục ĐH hiện nay. Thứ nhất, suất đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước và học phí trên đầu sinh viên, đều phải tăng lên. Thứ hai, phương án lâu dài là phải giảm quy mô giáo dục đại học công để chú trọng đầu tư tinh hoa, đầu tư vào sau đại học, đầu tư vào những ngành/lĩnh vực thiết yếu như khoa học cơ bản, sư phạm, y tế, nông nghiệp hay xã hội nhân văn. Thứ ba là điều chỉnh chính sách về tài chính, thực hiện cơ chế tài chính "2 cao", đó là học phí cao - hỗ trợ cao (hỗ trợ bao gồm học bổng và tín dụng sinh viên).

Phan Huyền

Tạp chí in số 11/2022
Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo công bằng, trao quyền cho hội đồng trường tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan