Lý do Fed không muốn thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa

18/11/2022, 19:45
báo nói -

TCDN - Fed sẽ không chấp nhận nhìn thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt và lợi suất trái phiếu kho bạc lao dốc vì chúng sẽ thổi bùng lạm phát lần nữa.

Giới đầu tư đang hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hãm đà tăng lãi suất trong cuộc chiến với lạm phát. Song trên thực tế, Fed cần phải đẩy lùi kỳ vọng đó để ngăn tình trạng các điều kiện thị trường tự nới lỏng quá sớm.

Diễn biến tuần trước cho thấy thị trường tài chính đang cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ tin tốt nào. Lạm phát tháng 10 thấp hơn dự kiến đã khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lao dốc mạnh - là mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm giảm mạnh nhất từ khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008.

Chỉ số USD của ICE giảm 3,85% trong hai ngày qua, chỉ thấp hơn một chút so với mức giảm 4,08% trong hai ngày sau khi Hiệp định Plaza được công bố vào năm 1985. Hiệp định Plaza là thoả thuận giữa các nước G5 nhằm làm suy yếu đồng bạc xanh.

Sự phấn khích của giới đầu tư chứng khoán

Chứng khoán Mỹ bật tăng, chỉ số S&P 500 đi lên 5,5%. Chứng chỉ của Ark Innovation, quỹ ETF nắm giữ rất nhiều cổ phiếu tăng trưởng rủi ro của “nữ kiệt đầu tư” Cathie Wood, trải qua ngày giao dịch tích cực nhất từ trước đến nay với mức tăng 14,5%.

Wall Street Journal cảnh báo sự hưng phấn của nhà đầu tư là không hợp lý khi lạm phát tại Mỹ chỉ mới hạ nhiệt hơn dự kiến trong một tháng duy nhất.

Nhưng đà tăng của thị trường chứng khoán khiến công việc của Fed trở nên vất vả hơn, bởi mức giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc gần tương đương với việc lãi suất sẽ thấp hơn 0,25 điểm % so với dự định của Fed vào cuối năm sau.

nha dau tu vui

Theo một số khía cạnh, tình hình còn tệ hơn thế. Điều kiện thị trường cải thiện đã thúc đẩy doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu, đồng nghĩa với việc tiền được bơm thêm vào nền kinh tế.

Mức lợi suất bổ sung mà nhà đầu tư mong muốn khi nắm các tài sản rủi ro cao cũng giảm. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Kho bạc và trái phiếu rác có xếp hạng thấp nhất CCC đã giảm từ 12,61 điểm % hôm 9/11 xuống còn 12,01 điểm % vào ngày 14/11.

Goldman Sachs đã phát triển một thước đo điều kiện tài chính tổng thể, kết hợp giữa chứng khoán, lãi suất, chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và đồng USD.

Chỉ số đó cho thấy điều kiện tài chính đã nới lỏng với tốc độ sánh ngang thời điểm tháng 3/2020 và và giai đoạn Fed phản ứng khẩn cấp với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Nó đã giảm xuống bằng mức ngay trước khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào tháng 9.

Những diễn biến như thế gợi nhớ đến đợt phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong mùa hè năm nay, nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều.

Niềm tin sai lầm

Nhà đầu tư nghĩ Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất. Niềm tin sai lầm ấy từng khiến điều kiện thị trường nới lỏng trong giai đoạn tháng 6 - giữa tháng 8 với quy mô tương tự như vài ngày qua.

Trước khi mùa hè kết thúc, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phải lên tiếng để xóa bỏ hiểu nhầm của nhà đầu tư. Gần đây, Thống đốc Fed Christopher Waller cũng đã đặt câu hỏi về đà tăng của thị trường chứng khoán hồi tuần trước.

Rắc rối của Fed là các điều kiện thị trường dễ chịu hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế vốn đang quá nóng. Đến một lúc nào đó, Fed sẽ phải ngừng tăng lãi suất để tránh bóp nghẹt tăng trưởng. Nhưng đương nhiên Fed không muốn thực hiện việc đó ngay lập tức.

Nhà đầu tư hoàn toàn đúng khi cho rằng số liệu lạm phát sẽ tạo ra tác động đến Fed. Các quan chức Fed đã chia thành hai phe ủng hộ tăng lãi suất 0,75 hoặc 0,5 điểm % tại cuộc họp tháng 12.

Nhiều nhà hoạch định chính sách cũng chỉ ra rằng chẳng bao lâu nữa Fed sẽ phải giảm tốc độ tăng lãi suất. Số liệu lạm phát tháng 10 có thể sẽ đủ để Fed nghiêng hẳn về lựa chọn thứ hai.

Nhưng dù Fed giảm tốc độ thì lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt chính sách vẫn có thể bị đẩy lên cao hơn dự báo trước đây. Chủ tịch Jerome Powell đã nói rõ như vậy trong cuộc họp báo gần nhất.

Thị trường biến động mạnh sau khi có số liệu lạm phát tháng 10 là do trước đó rất nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ việc dự đoán điểm bước ngoặt của lạm phát.

Lạm phát thực tế thấp hơn dự kiến đã kích hoạt nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO), khiến những người đã từ bỏ hy vọng – và cả những người đặt cược ngược lại – đổ xô mua vào chứng khoán.

Nhưng chống lại Fed luôn là việc nguy hiểm. Ngay lúc này, việc nhà đầu tư đối đầu với Fed tạo ra rủi ro là Fed sẽ chống trả lại bằng cách trở nên “diều hâu” hơn, tăng lãi suất mạnh hơn nhằm tránh để điều kiện tài chính nới lỏng quá mức. Fed sẽ làm mọi thứ để ngăn thị trường "tiếp tay" cho lạm phát bùng nổ lần nữa.

Tùng Lâm/theo The New York Times
Bạn đang đọc bài viết Lý do Fed không muốn thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan