Đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực tại trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn

24/10/2023, 10:44
báo nói -

TCDN - Bài viết đề cập đến kết quả nghiên cứu thực trạng đánh giá của nhà sử dụng lao động về chất lượng đào tạo của trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn.

4-1

TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến kết quả nghiên cứu thực trạng đánh giá của nhà sử dụng lao động về chất lượng đào tạo của trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn. Kết quả cho thấy, chất lượng đào tạo nhân lực lao động của nhà trường được nhà sử dụng lao động đánh giá ở mức độ khá. Từ đó nhóm tác giả đề xuất năm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu nhà sử dụng nhân lực và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Kết quả nghiên cứu

1.1. Thực trạng mức độ đánh giá của nhà sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực của nhà trường

Qua ý kiến phản hồi từ 93 nhà sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực của nhà trường thuộc 09 ngành đào tạo: ngành Quản trị Nhà hàng, Quản trị Khách sạn, Hướng dẫn du lịch, ngành Giáo dục mầm non, ngành Tiếng Anh, ngành Chăn nuôi - Thú y, ngành Điện công nghiệp, ngành Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây thuộc các khoa đào tạo của nhà trường, chúng tôi thu được kết quả như sau:

1

Kết quả từ Bảng 1 cho thấy, nhà sử dụng lao động đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực của nhà trường đạt mức khá trở lên (ĐTB đánh giá từng tiêu chí > 3.6). Tỷ lệ đánh giá mức khá và tốt cao, điều này chứng tỏ, chất lượng đào tạo nhân lực lao động của nhà trường được nhà sử dụng lao động đánh giá khá tốt.

Tiêu chí được đánh giá cao đa số thuộc tiêu chuẩn Phẩm chất cá nhân. Trong đó, tiêu chí “Quan hệ với đồng nghiệp” được đánh giá cao nhất, với ĐTB = 4.40; tiêu chí được đánh giá cao thứ hai là: “Trách nhiệm đối với công việc”, với ĐTB = 4.38.

Các tiêu chí được đánh giá thấp đa số thuộc tiêu chuẩn Kiến thức, kỹ năng và năng lực nghiệp vụ như: “Năng lực sử dụng tin học”, với ĐTB = 3.77 và “Năng lực sử dụng ngoại ngữ”, với ĐTB = 3.66.

Nhằm thu thập thêm ý kiến nhận xét, đánh giá của nhà sử dụng lao động, chúng tôi đặt ra câu hỏi “Điều gì làm anh/chị hài lòng nhất đối với nhân lực lao động do nhà trường đào tạo ra?”. Nhà sử dụng lao động có những ý kiến sau: trong quá trình học tập, người lao động đã được trang bị hệ thống kiến thức tương đối phù hợp với ngành nghề, bước đầu hình thành được kỹ năng nghề ngay trong quá trình đào tạo; đa số người học có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng làm việc căn bản; nhiệt tình, hòa đồng, thân thiện, có ý thức và tinh thần làm việc, học hỏi cao.

Về “Đề xuất, kiến nghị của ông/bà nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của nhà trường”, nhà sử dụng có những ý kiến như: nhà trường cần bồi dưỡng, phát triển các phẩm chất cá nhân cho người học; rèn luyện thêm các kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng hình thành khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ; mời đơn vị tuyển dụng tham gia xây dựng chương trình đào tạo; phối kết hợp với doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng nhân lực lao động trong công tác đào tạo; tổ chức các buổi giao lưu với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để người học có cơ hội tiếp cận, cập nhật nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực lao động của xã hội luôn là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, thu hút người học đến với các ngành đào tạo của nhà trường. Nhà trường luôn hướng đến việc nâng cao sự hài lòng của người học, của nhà sử dụng lao động và các công ty về chất lượng đào tạo, mang lại sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thu được kết quả đánh giá của nhà sử dụng lao động về chất lượng đào tạo nhân lực thuộc các ngành như sau:

b2

Kết quả thu được cho thấy, điểm trung bình chung đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực lao động của các ngành đạt mức khá trở lên, với ĐTB > = 3.7. Trong đó, ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây được đánh giá ở mức độ tốt nhất, với ĐTB = 4.67; thứ hai là ngành Thanh nhạc, với ĐTB = 4.55. Đây là hai ngành đào tạo thuộc Khoa Văn hóa nghệ thuật.

Hình 1. Biểu đồ thể hiện mức đánh giá của nhà sử dụng lao động chất lượng đào tạo nhân lực của nhà trường

Hình 1. Biểu đồ thể hiện mức đánh giá của nhà sử dụng lao động chất lượng đào tạo nhân lực của nhà trường

Chất lượng đào tạo nhân lực lao động của nhà trường được nhà sử dụng nhân lực đánh giá ở mức khá cao. Điều này thể hiện rất rõ ở biểu đồ ở Hình 1, với diện tích 2 ô tương ứng với mức đánh giá tốt và rất tốt chiếm tỉ lệ cao hơn so với các mức còn lại.

Nhà sử dụng lao động đánh giá cao phẩm chất đạo đức của nhân lực lao động. Tuy nhiên, năng lực nghiệp vụ của nhân lực lao động còn khá hạn chế, đặc biệt là năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học.

1.2. Một số giải pháp

1.2.1. Đổi mới chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo của nhà trường cần luôn cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, hướng vào đào tạo kỹ năng hiện đại, chú trọng các nội dung về thương mại điện, bổ sung thêm các môn học chuyên ngành; tạo điều kiện cho người học có cơ hội tiếp xúc với môi trường thực tế, rèn luyện kỹ năng giải quyết tình huống; chú trọng đào tạo chuyên sâu để giúp người học tự tin về khả năng sử dụng tin học, ngoại ngữ; phân bố, đan xen học lý thuyết với thực hành để người học dễ dàng tiếp thu và trải nghiệm. Từng bước thay đổi theo hướng tăng thực hành, thực tập trải nghiệm; tạo điều kiện cho người học tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, trau dồi và bổ sung các kỹ năng nghề cần thiết, cách quản lý và ứng phó rủi ro; chú trọng hình thành và phát triển kỹ năng mềm cho người học.

Cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hiện. Định hướng đào tạo cho người học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo, quản trị nhà trường; đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục nghề nghiệp. Bám sát tiêu chuẩn nghề kỹ năng, chuẩn đầu ra, các chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng, các định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng ngành, nghề để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

1.2.2. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường các nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo của nhà trường

Gắn kết với doanh nghiệp luôn là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề của nhà trường. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp, nhà trường cần chú trọng kết nối các doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp cần tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ theo hướng liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng; đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học; tập trung đầu tư, mở rộng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động, góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực. Nhà trường luôn tạo cơ hội và điều kiện để người học được đến gần hơn với doanh nghiệp, thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo việc làm, hội thảo tư vấn tuyển dụng…

Có thể thấy, việc phối hợp doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề giúp doanh nghiệp có nguồn lao động như mong muốn, tăng nhân lực lao động cho doanh nghiệp khi người học đến học, thực hành và làm việc ngay tại doanh nghiệp. Nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Sự kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và người sử dụng lao động.

Huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho đào tạo, khai thác nguồn lực của doanh nghiệp, các cơ quan tuyển dụng nhân lực, có thể huy động vốn, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào quá trình đào tạo.

Nhà trường cần chủ động mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực đào tạo thông qua các dự án và các chương trình hợp tác, xây dựng dự án về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý; xây dựng dự án liên doanh trong đào tạo.

1.2.3. Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên

Trong công tác bồi dưỡng, cần chú trọng củng cố và phát triển kỹ năng sư phạm, nâng cao trình độ ngoại ngữ, vốn học vấn cơ bản, trên cơ sở đó tăng cường bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp thực nghiệm và đánh giá. Tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên nâng cao dần khả năng tự bồi dưỡng theo từng mục tiêu xác định, có cơ hội học tập, nghiên cứu chuyên môn trong và ngoài nước; khuyến khích, hỗ trợ giảng viên tham dự các hội thảo khoa học.

Chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ và lòng yêu nghề đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo nghề trong tình hình hiện nay.

Đảm bảo các điều kiện phương tiện cần thiết để giảng viên hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy và tạo điều kiện cho họ có thời gian tiến hành nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức và tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp các cấp để đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt”, qua đó giảng viên có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý phải dựa trên năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Việc đánh giá và phân loại trình độ, năng lực thực tế của đội ngũ giảng viên cần được tiến hành theo định kỳ để làm cơ sở cho việc đào tạo bồi dưỡng.

Nhà trường cùng các giảng viên cần phải thay đổi tư duy và phương pháp đào tạo phù hợp với xu thế thời đại, nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ bằng kiến thức; giảng viên luôn là người huấn luyện viên, truyền cảm hứng cho người học, để họ thực sự học và đam mê ngành, nghề mình chọn, để đủ tự tin theo đuổi ước mơ.

1.2.4. Đổi mới công tác tổ chức, quản lí đào tạo

Nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường là rất cần thiết, nhằm nâng cao sự hài lòng của nhà sử dụng lao động đối với đội ngũ lao động do nhà trường đào tạo ra. Phối hợp với các đơn vị chức năng lấy ý kiến của nhà sử dụng lao động; thường xuyên quan tâm, phối hợp để từ đó đánh giá và khắc phục những thiếu sót trong công tác đào tạo và điều kiện người học học tập và rèn luyện. Xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng lao động, từ nhận xét, đánh giá của nhà sử dụng lao động, từ yêu cầu trong công tác đào tạo nghề, nhà trường cần nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên đối với người học; tạo điều kiện tốt về nơi ăn, ở, môi trường sống, sinh hoạt lành mạnh, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến học tập, rèn luyện chính đáng của người học.

Tích cực thực hiện đa dạng hoá các phương thức, loại hình đào tạo nhằm đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là các ngành đào tạo thuộc nghề trọng điểm; đồng thời luôn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người học trong quá trình học tập; đón đầu yêu cầu về nhân lực của các công ty, doanh nghiệp nói riêng, của xã hội nói chung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, giám sát hoạt động giáo dục của nhà trường, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng và quản lý quá trình đào tạo; thực hiện cơ chế doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đánh giá hoạt động giáo dục của nhà trường; nhà giáo được đánh giá cán bộ quản lý; doanh nghiệp, nhà sử dụng lao động tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.

Tổ chức tốt, thực chất công tác thi đua khen thưởng, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, người học thi đua dạy tốt, học tốt. nghiên cứu học tập và chọn lọc áp dụng một số mô hình đào tạo mới, hiện đại vào nhà trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

1.2.5. Từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là yếu tố giúp cán bộ, giảng viên tổ chức các hoạt động giáo dục, giảng dạy tốt hơn, có nhiều đổi mới hơn trong cách thức tổ chức để từ đó đề xuất với nhà trường các giải pháp chuyên môn hiệu quả; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có mức độ ảnh hưởng đến quá trình học tập, rèn luyện tay nghề của người học, đặc biệt đối với ngành đào tạo thuộc các ngành trọng điểm.

Nhà trường có biện pháp nhằm nâng cao, cải thiện cơ sở vật chất để đạt được sự hài lòng từ phía người học và nhà sử dụng lao động; cần đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị: phòng học phải rộng rãi, thoáng mát, đảm bảo cho nhu cầu học tập, rèn luyện tay nghề; cung cấp hệ thống máy chiếu tại các phòng học để phục vụ nhu cầu giảng dạy của giảng viên; thư viện phải đủ về số lượng và đa dạng về lĩnh vực chuyên ngành, thỏa mãn được nhu cầu tham khảo, học tập và tra cứu của người học; nâng cấp trang web của nhà trường nhằm đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu đăng nhập của người học.

Đầu tư cơ sở vật chất giúp người học được thực tập trên hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, được trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực tế để tiếp cận sự phát triển của công nghệ mới, nhằm giúp người học khi tốt nghiệp ra làm tại doanh nghiệp không bỡ ngỡ, lạc hậu. Xây dựng trung tâm thực hành để vừa phục vụ đào tạo, vừa làm kinh tế trong Nhà trường. Để giảm số lượng tập trung trong phòng thực hành, giảng viên nên giám sát và truyền tải bài giảng qua hệ thống camera giúp người học theo dõi hệ thống này để học hỏi, rút kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đào tạo sẽ giúp người học tiến hành học tập, rèn luyện, hình thành tay nghề thuận lợi, tự tin, hứng thú, tạo môi trường học tập năng động và bám sát yêu cầu thực tiễn về năng lực lao động của xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Hữu Ái (2016) Kiểm định quan hệ giữa chất lượng đào tạo và sự cảm nhận hài lòng của sinh viên khoa kinh tế trường Đại học Văn Hiến. Tạp chí Khoa học trường Đại học Văn Hiến, số 3.

2. Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh (2009), Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân lực, Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

3. Mai Quốc Chánh, Trần Xuân Cầu (2021) Kinh tế lao động. NXB Lao động.

4. Sue Erickson, Carmen Williams & Michel Braget, 2010 UND Employer Satisfaction Survey, University of North Dakota, 2011.

Đào Thị Hồng, Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Hoàng Trang

Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn

Tạp chí in số tháng 10/2023
Bạn đang đọc bài viết Đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực tại trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899