Đấu giá biển số ôtô, thuế nên thu như thế nào?
TCDN - Phiên đấu giá biển số ôtô đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 20/8/2023. Trong một quý, Cục CSGT sẽ cung cấp khoảng 100.000 biển số để đưa ra đấu giá. Vấn đề về nghĩa vụ thuế được thực hiện đối với từng trường hợp như nào cũng đang được dư luận quan tâm.
Quy trình và chế tài
Từ ngày 1/7, Nghị quyết số 73/202/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm đấu giá biển số ôtô của Quốc hội chính thức có hiệu lực, người dân sẽ được quyền lựa chọn, cạnh tranh để sở hữu biển số ôtô theo mong muốn.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), định danh biển số là một cụm từ khá mới. Định danh biển số ôtô được hiểu là khi người dân mua bán, sang tên phương tiện, thì biển số của người dân vẫn sẽ được giữ lại và tiếp tục đăng ký cho chiếc xe khác, vì làm như vậy sẽ giúp cho công tác quản lý của nhà nước, đặc biệt là xử lý những vi phạm hành chính.
Ngoài ra, hiện nay khi lực lượng chức năng gửi những thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, thì chủ phương tiện đã bán xe cho người khác, vì vậy rất khó để yêu cầu chủ phương tiện và yêu cầu người vi phạm thực hiện các quyết định xử phạt. Hoặc khi xảy ra tai nạn, việc truy được ra trách nhiệm của chủ phương tiện và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ rất khó khăn.
Như vậy, tiến tới định danh biển số ôtô là để phục vụ tốt cho công tác quản lý của nhà nước và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện.
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, trong Nghị quyết 73, Bộ Công an sẽ tổ chức đấu giá tất cả các biển số của 63 địa phương, người dân ở đâu cũng có quyền lựa chọn. Ví dụ người dân ở Tp.HCM nếu thích vẫn có thể lựa chọn và đấu giá biển số ở Hà Nội.
Trong thời gian một quý, lực lượng chức năng sẽ cấp khoảng 100.000 biển số để đưa ra đấu giá. Số biển này sẽ là một phiên đấu giá, trong phiên đấu giá lại có nhiều cuộc đấu giá; không phải một lúc chúng ta đấu giá cả 100.000 biển số mà tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân… có thể đấu giá 1.000 biển, 10.000 biển...
Theo dự kiến, phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 20/8. Công dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều có thể tham gia đấu giá. Khi người dân đến đăng ký đấu giá biển số xe thì chỉ cần mang theo CCCD và đăng ký ở nơi thường trú hoặc tạm trú. Đây là một chính sách rất mở của Bộ Công an, lấy người dân làm trung tâm.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, mức giá khởi điểm đấu giá sẽ là 40 triệu đồng, đây là mức giá bằng 5% của những phương tiện ôtô phổ thông nhất mà người dân đang lưu thông hiện nay.
Với những trường hợp không phải biển số trúng đấu giá, tuy nhiên khi bán xe vẫn cố ý không nộp lại biển số mà giữ lại để chuyển nhượng thì luật đã có những quy định cụ thể.
Đơn cử, tại Nghị định 100 đã nêu rõ, xử phạt những chủ phương tiện không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sau khi mua, bán xe. Quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện đối với mọi hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông.
Hơn 153.000 biển số ôtô tại 63 tỉnh thành được đưa ra đấu giá trực tuyến công bố trên cổng thông tin đấu giá trực tuyến. Đây là danh sách biển số ôtô đầu tiên được đưa ra đấu giá lần thứ 1. Đơn vị được tổ chức đấu giá biển số ôtô là Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam.
Trong danh sách hơn 153.000 biển số này, có nhiều biển số đẹp, như: 30K-599.99; 11C-06789, 14A-79999, 14A-83333, 14A-82222, 15K-18888, 15K-16666, 17A-38888... 30K-595.95, 30K-599.99, 30K-600.09, 30K-555.55, 30K-555.66 99A-666.66, 99A-67899, 99A-679.79, 99A-666.88 hay 99A-666.99…
Theo quy định, danh sách biển số xe ôtô đấu giá được công khai trên trang thông tin điện tử. Các thông tin về quy chế, danh sách biển số xe ôtô đưa ra đấu giá được công khai ít nhất 30 ngày trước khi tổ chức phiên đấu giá.
Quản lý và sử dụng số tiền thu được từ đấu giá
Tại Điều 22 Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá như sau:
- Giao Bộ Công an mở một tài khoản chuyên thu tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thu tiền trúng đấu giá. Tiền lãi phát sinh (nếu có) trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
- Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ôtô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá (viết gọn là tiền bán đấu giá) và tiền lãi phát sinh (nếu có) trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an thực hiện kê khai, nộp, quyết toán với cơ quan thuế. Cơ quan thuế quản lý kê khai, nộp, quyết toán khoản thu này theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
+ Chậm nhất ngày 20 hàng tháng, Bộ Công an (hoặc cơ quan được Bộ Công an giao quản lý thu, nộp tiền bán đấu giá) kê khai, nộp tiền bán đấu giá thu được tháng trước với cơ quan thuế (theo Mẫu số 01/DG ban hành kèm theo Nghị định này). Bộ Công an (hoặc cơ quan được Bộ Công an giao quản lý thu, nộp tiền bán đấu giá) thực hiện quyết toán tiền bán đấu giá theo năm (theo Mẫu số 02/DG ban hành kèm theo Nghị định này) theo quy định pháp luật quản lý thuế;
+ Số tiền bán đấu giá nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương;
+ Tiền lãi phát sinh (nếu có) trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, cùng với số tiền bán đấu giá thu được trong tháng phát sinh;
+ Bộ Công an chịu trách nhiệm xác định, phê duyệt các khoản chi phí tổ chức đấu giá để làm căn cứ tính số tiền đấu giá thu được nộp ngân sách nhà nước.
- Cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách nhà nước để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đảm bảo an ninh trật tự, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Công an theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Ngoài các quy định được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 22 Nghị định 39/2023/NĐ-CP, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ôtô còn được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật có liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định nộp tiền trúng đấu giá như sau:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe.
Như vậy, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá biển số xe ô tô là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đề nghị thu thuế thu nhập cá nhân
Tại buổi thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá diễn ra hồi tháng 11/2022, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng.
Do đó, để đảm bảo công bằng xã hội, tránh các hành vi lợi dụng trục lợi khi kê khai tài sản, kê khai lệ phí trước bạ khi đăng ký xe, kê khai thu nhập của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá và thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe.
"Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 và Nghị định số 10 năm 2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ chưa có hai đối tượng thu nhập và tài sản này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định này vào trong nội dung Nghị quyết và Nghị định", ông Thịnh nói.
Theo đại biểu đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), qua quan sát, nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian, có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Sử dụng, quản lý tài sản công năm 2017, Bộ Công an đã đề xuất cho đấu giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau, số sau lớn hơn số trước, đây là nhóm sắp xếp theo quy tắc khoa học.
“Thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ôtô đã giúp giá trị của xe ôtô tăng lên rất nhiều; có xe 800 triệu đồng nhưng khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ đồng. Với quy định cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Vì vậy, đại biểu Cảnh đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá. Những số này sẽ có mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng.
Đồng thời vị đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, nên mức giá 200 triệu đồng là hợp lý.
Nghĩa vụ thuế áp dụng đối với từng trường hợp
Liên quan đến việc thu thuế biển số trúng đấu giá, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, về bản chất giao dịch “chuyển nhượng biển số trúng đấu giá” là giao dịch chuyển nhượng: “quyền, quyền tài sản” theo Điều 115 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Do đó, nghĩa vụ thuế được thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
Đối với doanh nghiệp có chuyển nhượng biển số trúng đấu giá: Bản chất đây là chuyển quyền quyền tài sản tương tự cung cấp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, thuế suất thuế GTGT là 10% theo quy định tại điều 11 Thông tư 219/20136/TT-BTC; thuế TNDN áp dụng tương tự như các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của doanh nghiệp với mức thuế suất phổ thông là 20%.
Đối với cá nhân chuyển nhượng biển số trúng đấu giá: Do biển trúng đấu giá là tài sản thuộc sở hữu cá nhân nên khi cá nhân có không kinh doanh có chuyển nhượng tài sản thì thuộc đối tượng “Không phải kê khai nộp thuế GTGT” theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 219 nêu trên; thuế TNCN là 2% trên giá chuyển nhượng theo quy định tại đoạn 2, mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC (Hoạt động cung cấp dịch vụ không phải kê khai nộp thuế GTGT).
“Do tổ chức cá nhân đã phải thanh toán theo giá trúng đấu giá, sau đó thực hiện chuyển nhượng biển trúng đấu giá thì đối tượng chuyển nhượng đã phải đóng thuế như trên nên nhà nước không nên thu lệ phí trên giá chuyển nhượng nữa. Tôi cho rằng, lệ phí đăng ký sang tên nên xây dựng một mức lệ phí cố định theo quy định của Bộ Tài chính. Điều này là rất quan trọng nhằm thúc đẩy và nâng cao tính khả thi, tính hiệu quả của đề án", ông Được nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899