18 tỉnh nợ thuế tăng mạnh, Ninh Thuận tăng tới 444%

28/07/2023, 17:17
báo nói -

TCDN - Tổng cục Thuế cho biết, 18/63 Cục Thuế có nợ thuế tăng trên 50% như Ninh Thuận tăng 444%, Phú Thọ tăng 187%, Lào Cai tăng 183%, Lai Châu tăng 165%, Lạng Sơn tăng 133%, Hải Dương tăng 117%, Thái Nguyên tăng 115%, Tây Ninh tăng 110%, Quảng Ngãi tăng 108%, Quảng Ninh tăng 106%...

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 21.408 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2023 là 65.000 tỷ đồng, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 18.380 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.028 tỷ đồng.

Về xử lý khoanh nợ, xóa nợ thuế không còn khả năng thu theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ từ khi Nghị quyết có hiệu lực (01/7/2020) đến cuối tháng 6/2023 đạt 37.059 tỷ đồng. Trong đó xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.983 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 8.076 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Về tình hình nợ thuế, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6/2023 là 151.976 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thời điểm ngày 31/5/2023, tăng 2,8% so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Theo Tổng cục Thuế, nợ thuế tăng cao do hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư.

Bên cạnh đó, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên.

Số tiền thuế nợ khó thu tại thời điểm 30/6/2023 tăng so với thời điểm 31/5/2023 do đánh giá thêm số tiền thuế nợ của người nộp thuế đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn liên tiếp từ 03 lần trở lên mà không thu hồi được nợ thuế từ nhóm nợ có khả năng thu sang nhóm nợ khó thu.

Đặc biệt, do các Cục Thuế chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Một số Cục Thuế để nợ tăng cao như: 18/63 Cục Thuế tăng trên 50% (Ninh Thuận tăng 444%, Phú Thọ tăng 187%, Lào Cai tăng 183%, Lai Châu tăng 165%, Lạng Sơn tăng 133%, Hải Dương tăng 117%, Thái Nguyên tăng 115%, Tây Ninh tăng 110%, Quảng Ngãi tăng 108%, Quảng Ninh tăng 106%, Cà Mau tăng 103%, Bắc Ninh tăng 101%, Vĩnh Phúc tăng 94%, Nghệ An tăng 86%, Bình Dương tăng 69%, Tuyên Quang tăng 63%, Bình Định tăng 58%, Sơn la tăng 58%, Đồng Tháp tăng 52%).

Để xử lý thu hồi nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các địa phương triển khai giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức; gắn trách nhiệm của lãnh đạo với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.

Đối với nhóm nợ có khả năng thu, Tổng cục Thuế đề nghị triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế theo đúng quy định; đặc biệt tập trung áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Đối với người nộp thuế có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, thực hiện ngay các biện pháp: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế: áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc xử lý đối với các khoản nợ đang chờ xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh, cụ thể: Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đang chờ xử lý thì các bộ phận trong cơ quan thuế tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các hồ sơ cơ quan thuế đã tiếp nhận và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh: bộ phận quản lý nợ chỉ phân loại khi có đầy đủ hồ sơ, đồng thời phối hợp với các bộ phận liên quan và người nộp thuế để đối chiếu nợ, chuẩn hóa dữ liệu nợ.

Đối với các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ: Cơ quan thuế thực hiện áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo đúng quy định để kịp thời thu hồi vào ngân sách nhà nước các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế.

Đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Cơ quan thuế thực hiện rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ ngân sách nhà nước; hạch toán, theo dõi đầy đủ các khoản nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Trường hợp có vướng mắc, Cục thuế địa phương chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết 18 tỉnh nợ thuế tăng mạnh, Ninh Thuận tăng tới 444% tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hải Phòng thu hồi được hơn 2.100 tỷ đồng tiền nợ thuế
Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Hà Văn Trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế TP đã ban hành 1.155 quyết định cưỡng chế nợ thuế, với tổng số tiền 3.940 tỷ đồng; công khai thông tin 990 người nộp thuế với số nợ 1.548 tỷ đồng; đã thu hồi được 2.154 tỷ đồng tiền nợ thuế.
Tp.HCM: 5 doanh nghiệp nợ thuế tăng đột biến tới gần 13 nghìn tỷ đồng
Theo Cục Thuế Tp.HCM, có 5 trường hợp nợ thuế tăng đột biến với số tiền là 12.672 tỷ đồng, gồm Công ty Địa ốc Sông Tiên 1.010 tỷ đồng, Công ty Xuyên Việt Oil 1.531 tỷ đồng, Công ty Đầu tư Golden Hill 1.289 tỷ đồng, Công ty Quốc tế Thế kỷ 21 là 6.146 tỷ đồng, Công ty Thuận Việt 2.696 tỷ đồng.