Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành

27/04/2023, 15:22
báo nói -

TCDN - Mặc dù đã công bố tặng quà bằng tiền để khuyến khích cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 nhưng tỷ lệ cổ đông tham dự của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) chỉ mới đạt 45,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Do đó, Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 18 Điều lệ công ty, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CII không đủ điều kiện để tiến hành khai mạc như dự kiến. Lý do, không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự Đại hội. 

Được biết, tính tới ngày 3/4, cổ đông nước ngoài nắm gần 25,9 triệu cổ phiếu CII, chiếm 10,26% tổng số cổ phần đang lưu hành. Và nhóm này không tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Tương tự năm ngoái, năm nay CII lại tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành do số cổ đông tham dự có tổng số cổ phần có quyền biểu quyết không đủ 50%.

Tương tự năm ngoái, năm nay CII lại tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành do số cổ đông tham dự có tổng số cổ phần có quyền biểu quyết không đủ 50%.

Trước đó, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, Công ty đã công bố thêm phần quà tri ân nếu nhà đầu tư tham gia đại hội. Cụ thể, Công ty cho biết tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu của cổ đông, cổ đông tham gia Đại hội sẽ nhận quà bằng tiền (không nói số tiền cụ thể). Nếu muốn nhận quà, cổ đông phải đăng ký tham dự đại hội.

Trong đó, cổ đông đã đăng ký nhận quà khi tham dự đại hội mà không đi đại hội, số cổ phần này được ủy quyền cho Trưởng Ban kiểm soát Công ty CII được thay cổ đông tham dự và bỏ phiếu. 

Thực tế, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM là một doanh nghiệp khá đặc biệt khi tỷ lệ cổ đông phân tán sau cơn sốt cổ phiếu cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ giá bất động sản Thủ Thiêm (Tp. HCM) được tái định giá lại sau các đợt đấu giá kỷ lục. 

Thống kê từ ngày 27/9/2021 đến ngày 7/1/2022, cổ phiếu CII tăng 239% từ 17.100 đồng lên 57.900 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi các đơn vị tham gia đấu giá bỏ cọc tại Thủ Thiêm, cơn sốt cổ phiếu hưởng lợi quay đầu, cổ phiếu CII bước vào giai đoạn giảm, mất thanh khoản. 

Thống kê từ ngày 7/1/2022 đến ngày 21/6/2022, cổ phiếu CII giảm 74,3% từ 57.900 đồng về 14.900 đồng/cổ phiếu. Kể từ khi cổ phiếu CII mất thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài gia tăng.

Tương tự năm nay, CII cũng thất bại trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 lần 1. Tại lần tổ chức lần 1 vào ngày 25/4/2022, Công ty chỉ có 73 đại biểu, đại diện 58,48 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 23,85% tổng số lượng cổ phiếu và không thể tổ chức ĐHĐCĐ. 

Theo tài liệu đã công bố của CII về nội dung ĐHĐCĐ thường niên 2023, công ty có kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị gần 4.500 tỷ đồng. 

Đối với gói trái phiếu chuyển đổi thứ nhất (gói 1), CII dự kiến phát hành hơn 25,2 triệu trái phiếu với thời hạn 10 năm, tương đương tổng giá trị hơn 2.522 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2023, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.  Đối tượng phát hành sẽ là các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1 (cổ đông với mỗi cổ phần nắm giữ tại ngày chốt danh sách sẽ có 1 quyền mua, cổ đông có 10 quyền mua sẽ được mua 1 trái phiếu, quyền mua sẽ được chuyển nhượng 1 lần).  

Với số tiền huy động được từ gói 1, CII dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ hai công ty dự án là CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (Công ty Xa Lộ Hà Nội) và Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận (Công ty Ninh Thuận).  

Trong đó, hạn mức đầu tư tối đa cho Công ty Xa Lộ Hà Nội là 2.400 tỷ đồng, còn Công ty Ninh Thuận là 1.200 tỷ đồng. Lãi của đợt lô trái phiếu sẽ được trả mỗi 3 tháng/lần với lãi suất năm đầu tiên cố định ở 10%/năm, các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng của Vietcombank và VietinBank + 2,5%/năm.  

Liên quan đến việc chuyển đổi trở lại cổ phần, tương ứng với thời hạn 10 năm của trái phiếu, CII sẽ tổ chức 10 đợt chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần cho trái chủ (mỗi năm 1 đợt) vào ngày tròn năm kể từ ngày phát hành. Giá chuyển đổi sẽ là 10.000 đồng/cổ phiếu. Với các lần chuyển đổi trái phiếu, CII sẽ thực hiện phát hành cổ phần phổ thông để phục vụ cho việc chuyển đổi.  

Đối với đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi thứ hai (gói 2), thời hạn, lãi suất, đối tượng và phương án trả lãi sẽ tương tự gói 1. Gói 2 có tổng giá trị phát hành là 1.978 tỷ đồng, tương đương gần 19,8 triệu trái phiếu. Tỷ lệ để cổ đông hiện hữu mua trái phiếu là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 quyền mua mới được mua 1 trái phiếu).

Đợt phát hành sẽ diễn ra trong vòng hai năm kể từ ngày được ĐHĐCĐ phê duyệt. Với số tiền huy động được từ gói 2, CII sẽ dùng 1.090 tỷ đồng để thanh toán hai lô trái phiếu CIIB2024009 và CIIB2124001, phần còn lại sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ Công ty Ninh Thuận.

Năm 2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5.155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 50% so với kết quả của năm 2022. 

Tính tới 31/12/2022, CII đang có tổng dư nợ lên tới hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm tới 51,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, 5.166,4 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và còn lại 9.415,9 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. 

Theo lịch trả nợ, trong vòng 1 năm phải trả hơn 3.585 tỷ đồng (3.161 tỷ đồng là trái phiếu); trong năm 2 phải trả 2.771 tỷ đồng (trái phiếu 1.590 tỷ đồng); trong năm từ năm 3 đến năm 5 là 2.807 tỷ đồng (trái phiếu 372,3 tỷ đồng); và sau 5 năm là 3.863 tỷ đồng (trái phiếu 1.150 tỷ đồng). Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2022, Công ty chỉ sở hữu quỹ tiền là 904,1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với số nợ phải trả.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan