Đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu
TCDN - Tại phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, nhiều đại biểu đề nghị cần các chính sách ưu đãi cụ thể để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Cần có cơ chế thuế đối với các nhà đầu tư mới
Đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cho rằng, cần có những quy định, chính sách pháp lý để các nhà đầu tư này có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Theo phân tích của đại biểu Vân Chi, chưa rõ cơ chế thuế đối với các nhà đầu tư mới vào Việt Nam sau khi Nghị quyết này được ban hành và có hiệu lực. Đại biểu cho biết, nếu theo quy định trong dự thảo hiện tại cũng như pháp luật về thuế hiện hành, khi vào thị trường, các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi, tuy nhiên vẫn phải nộp lại 15%, đây là điều không hợp lý mà dự thảo Nghị quyết này cần phải giải quyết.
Bên cạnh đó, về khả năng khiếu kiện, với các nhà đầu tư hiện hành đang được hưởng ưu đãi miễn giảm, có những ưu đãi miễn giảm rất lớn, nếu thu thêm thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo mức đánh thuế đối với họ là 15% thì sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư. Lợi ích của nhà đầu tư hiện nay đang được bảo đảm không chỉ bởi điều khoản về đảm bảo đầu tư, tức điều khoản quy định bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, mà quan trọng hơn là được bảo đảm bằng các hiệp định, thỏa thuận, cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư song phương và đa phương. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính toán hết các khả năng có thể xảy ra, đảm bảo lợi ích của mỗi bên trong giao dịch.
Cũng liên quan đến khiếu kiện, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, dù Chính phủ khẳng định khả năng khiếu kiện không cao. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu cho rằng trường hợp khiếu kiện hoàn toàn có thể xảy ra, nếu để xảy ra việc tranh chấp thương mại, đưa ra đến các tổ chức tài phán quốc tế thì bên thua sẽ phải chịu chi phí tố tụng, dẫn đến nhiều rủi ro và phải huy động rất nhiều nguồn lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm và thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần dựa trên nguyên tắc bảo đảm phương án tối ưu, phát huy thế mạnh, điều kiện của mình, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng nặng do thuế tối thiểu toàn cầu mang lại. Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng Nghị quyết.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư với lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời phù hợp với các quy chuẩn quốc tế như các quy định của OECD.
Cùng với đó, cần có sự cân bằng giữa thu thuế tối thiểu và điều kiện đảm bảo đầu tư, để xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hệ thống pháp lý minh bạch rõ ràng, tạo dựng lòng tin với các nhà đầu tư.
Cần thêm chính sách ưu đãi cụ thể
Theo đại biểu Lê Trường Lưu (Thừa Thiên - Huế) có 2 vấn đề đặt ra khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Một là, chính sách ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì rõ ràng, mức thu thuế bình quân với các nước là bằng nhau, chính sách ưu đãi thuế của các nước sẽ giống nhau. Vậy để thu hút đầu tư vào Việt Nam cần nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi khác. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng...
Hai là, phải tính toán những xung đột về thuế khi các dự án đã được tính toán ưu đãi đầu tư, được miễn giảm thuế khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó cần có giải pháp truyền thông, tuyên truyền, vận động để tránh những xung đột khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Liên quan đến chính sách ưu đãi, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cũng đặt vấn đề cần quan tâm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì môi trường thu hút đầu tư sẽ bị tác động như thế nào? Bởi trước đây, nước ta đã áp dụng nhiều hình thức, nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế và các chính sách dựa vào thuế cũng khá nhiều. Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì về cơ bản, những ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư sẽ không còn nữa.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, bài toán đặt ra là chúng ta sẽ tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư đã đến Việt Nam, đã đầu tư, đã triển khai các dự án và Chính phủ đã cam kết ưu đãi như thế nào? Đây là vấn đề phải tính toán rất kỹ lưỡng và phải hết sức quan tâm.
Chính phủ phải đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu nhưng lại chưa kịp thời ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư song hành thì sẽ tác động như thế nào đến môi trường đầu tư và bao giờ thì Chính phủ sẽ hoàn thành việc sửa đổi các ưu đãi đầu tư để song hành với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu? Đây là điều quan trọng để bảo đảm có một môi trường đầu tư ổn định, đại biểu Toàn nêu vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên - Huế) cho rằng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần quan tâm đến hệ thống kế toán trong áp dụng thuế, quan điểm về lợi nhuận, doanh thu và chi phí…để đáp ứng yêu cầu mới, đồng bộ với chuẩn mực quốc tế.
Nhất trí với quan điểm cần có chính sách bổ trợ khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng cần rà soát để sửa đổi các nội dung pháp luật liên quan. Một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan có chính sách bổ trợ thông qua ưu đãi hạ tầng hoặc đào tạo nhân sự hoặc bổ sung vào kinh phí nghiên cứu RnD. Do đó Việt Nam cũng cần phải sớm có những chính sách để đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đồng thời, cần tính toán đến các tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài xem xét có đánh thuế bổ sung hay không hay áp dụng thuế về nội địa đạt chuẩn để cho đảm bảo hệ thống chính sách thống nhất.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề nghị rà soát các loại hình doanh nghiệp, hiện diện thương mại hay đại diện của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, những nền tảng số… để có giải pháp thu được thuế để đảm bảo được lợi ích của nhà nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899